Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định hướng phát triển ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ trong Quy hoạch Thủ đô

Định vị rõ không gian phát triển

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ, đơn vị lập Quy hoạch Thủ đô cùng liên danh tư vấn tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để xác định những đột phá của ngành, lĩnh vực để đưa vào quy hoạch.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải tại Tọa đàm lấy kiến Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, các chuyên gia về những phương án phát triển ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cùng liên danh tư vấn tổ chức chiều 31/7.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh, sau hội nghị triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô của TP Hà Nội (ngày 21/7), Viện đã chủ động rà soát các nội dung, lên kế hoạch làm việc với từng lĩnh vực chuyên ngành nhằm trao đổi về các định hướng lớn về quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội đã được Ban chấp hành Đảng bộ TP thông qua (tại Hội nghị lần thứ XII).

Tại buổi làm việc đầu tiên diễn ra trong chiều nay với Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, đại diện đơn vị tư vấn giới thiệu khái quát về các ý tưởng quy hoạch Thủ đô, trao đổi về những ý tưởng có liên quan đến các ngành công nghiệp, thương mại -  dịch vụ và đặt ra những yêu cầu mong muốn nhận được sự trao đổi từ phía Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất.

Đánh giá về thực trạng và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp Hà Nội thời kỳ 2011 - 2020, đại diện đơn vị tư vấn, Ths Lê Nguyên Thành- Trưởng Phòng Nghiên cứu công nghiệp  và năng lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương nêu, 10 năm qua, công nghiệp Hà Nội luôn ổn định, đứng ở vị tri thứ 5 trong 63 tỉnh thành, đạt giá trị nhất định.

Theo cơ cấu, công nghiệp thành phố đóng góp 15,8% vào GRDP. Giá trị tăng trưởng ngành chế biến chế tạo cao hơn ngành công nghiệp và ngành công nghiệp cao hơn nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu theo nhóm ngành không có thay đổi nhiều, không có đột biến.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu  chỉ đạo tại Tọa đàm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu  chỉ đạo tại Tọa đàm.

Định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương nêu ra các mục tiêu cụ thể: Hình thành cơ cấu công nghiệp hợp lý trong nền kinh tế TP; ngành công nghiệp chiếm 18 - 20% trong cơ cấu kinh tế Hà Nội. Công nghiệp Hà Nội đi đầu cả nước về phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tập trung vào 5 ngành/lĩnh vực công nghiệp  chế tạo - tự động hoá; công nghiệp điện tử - kinh tế số; công nghiệp vật liệu mới; công nghệ sinh học và chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Về định hướng phát triển thương mại – dịch vụ, đơn vị tư vấn cũng nêu mục tiêu đưa lĩnh vực này trở thành ngành có giá trị tăng cao, theo hướng văn minh, hiện đại; có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của TP; góp phần xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại, trung tâm giao dịch quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Sở Công Thương, cùng các sở ngành, chuyên gia đã trao đổi làm rõ thực trạng việc thực hiện các quy hoạch cũng như việc khai thác tiềm năng, lợi thế của ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ; phân tích rõ những vấn đề đã thực hiện được, những quy hoạch nào chưa thực hiện được hoặc thực hiện nhưng không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển, những vấn đề đặt ra cần giải quyết.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu góp ý tại Tọa đàm.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu góp ý tại Tọa đàm.

Qua trao đổi giữa các đơn vị bước đầu thống nhất, cụ thể hoá được những ý tưởng quy hoạch Thủ đô vào quy hoạch phát triển của ngành công nghiệp, thương mại -dịch vụ. Các đơn vị tư vấn tới đây sẽ trực tiếp khảo sát, thu thập dữ liệu và tiếp tục nhiều vòng trao đổi với các đơn vị, sở ngành.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh công tác lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bước sang giai đoạn hết sức quan trọng. Các đơn vị cần bám sát khung định hướng để triển khai trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ, đơn vị lập Quy hoạch cùng liên danh tư vấn tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để xác định những đột phá của ngành, lĩnh vực để đưa vào Quy hoạch. Bám sát thực trạng, định vị rõ không gian phát triển và đề xuất giải pháp phát triển từng lĩnh vực.

“Sau buổi làm việc này, các sở ngành trên cơ sở lắng nghe ý kiến các chuyên gia, hoàn thiện lại báo cáo, gửi lãnh đạo TP, Viện Nghiên cứu kinh tế  - xã hội Hà Nội và đơn vị tư vấn để tiếp tục trao đổi hoàn thiện Quy hoạch. “Mong muốn của TP là các đơn vị không chỉ hoàn thành “trả bài” của một quy hoạch bình thường mà những ý tưởng Quy hoạch Thủ đô phải được thể hiện đúng tầm, nhìn thấy được những vấn đề mới, lớn, đột phá và đề xuất được khát vọng phát triển” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.