Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết, Cục Trẻ em rất mong muốn có sự tham gia nhiều hơn từ phía xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em. Nhất là khuyến khích các DN hợp tác quảng bá bằng cách in số điện thoại Tổng đài quốc gia 111 lên các bao bì, sản phẩm hàng hóa. Đây cũng là việc làm thể hiện trách nhiệm xã hội cũng như trách nhiệm đối với trẻ em của DN. Từ đó góp phần tăng niềm tin, sự tin cậy và yêu thích của người tiêu dùng đối với sản phẩm của DN.
Theo thống kê của Cục Trẻ em, năm 2018, Tổng đài 111 đã tư vấn cho 27.407 ca, tăng 1.562 ca so với năm 2017 và 806 ca can thiệp cho trẻ em. Có 25% cuộc gọi tới Tổng đài 111 là trẻ em, số còn lại là người lớn. Các cuộc gọi tập trung nhiều nhất vào vấn đề trợ giúp pháp lý; quan hệ ứng xử trong nhà trường, gia đình, xã hội; sức khỏe thể chất, tâm lý, sinh sản.
Thế nhưng, thách thức hiện nay đó chính là nhiều trường hợp cần trợ giúp nhưng Tổng đài 111 không kết nối được với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã do cán bộ không nghe máy, bận họp, từ chối hợp tác. Tổng đài 111 cũng chưa thực sự tiếp cận hiệu quả nhóm trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt, trẻ em ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết, tới đây, định hướng của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 sẽ phát triển 2 trung tâm vùng (tư vấn trợ giúp trẻ em, tư vấn phòng chống mua bán người) tại Đà Nẵng và An Giang và phát triển Văn phòng trị liệu tâm lý cho trẻ em. Đồng thời, phát triển kênh tiếp nhận thông tin, tư vấn và hỗ trợ can thiệp trực tuyến…