Cả nước còn 583 doanh nghiệp Nhà nước
Theo kết quả giám sát, đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá trong 6 năm qua, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết doanh nghiệp Nhà nước đều tăng sau bán vốn Nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động 33%.... tính đến 31/12/2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty Nhà nước, 17 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Tổng tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% là hơn 3,05 triệu tỷ đồng (tăng 45,8%), trong đó vốn Nhà nước gần 1,4 triệu tỷ.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng, quá trình cổ phần hóa không phải đều diễn ra thuận lợi. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều Tổng công ty tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài.
Đến tháng 8/2017, còn 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký lưu ký và giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; chậm bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC.
Đoàn Giám sát cho rằng, tồn tại chủ yếu của doanh nghiệp Nhà nước trong cổ phần hóa là sai phạm trong xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp. Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Sau cổ phần hoá, doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng mà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn chiếm…
Nợ phải trả của doanh nghiệp Nhà nước lên đến 1,6 triệu tỷ đồng
Báo cáo của Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và một số vi phạm. Tính đến tháng 12/2016 có 18 tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án với hơn 7 tỷ USD; chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản. Trong đó, hơn 25% dự án báo lỗ, gần 30% lỗ lũy kế, 46% dự án không có báo cáo doanh thu lợi nhuận.
Tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1.292.400 tỷ đồng lên 1.628.649 tỷ đồng); hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so
với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%).
Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Như tại PVN, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV)...
Việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn chưa được xử lý trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh.
Đề nghị rà soát, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài
ĐB Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị, cần rà soát và xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của tập đoàn, tổng công ty; không chỉ có 12 dự án của ngành Công thương hay Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Vinashin mà cần rà soát tổng thể, qua đó đảm bảo không để mất vốn do thua lỗ kéo dài, hao mòn tài sản, chi phí lãi vay.
"Tôi đi tiếp xúc cử tri tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), cử tri rất bức trước việc 50 ha bờ xôi ruộng mật đã di dời làm nhà máy Ethanol. Dự án chi hàng hàng nghìn tỷ đồng nhưng đã dừng triển khai 5, 6 năm nay, nhà xưởng thiết bị máy móc đắp chiếu, rất xót xa. Ngoài ra, sau khi đi giám sát là Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ cho thấy vẫn tiếp tục thua lỗ lớn" ĐB cho biết.
Từ thực tế trên, ĐB cho rằng "Chính phủ cần quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm vì càng để lâu hậu quả càng nghiêm trọng. Đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội sửa Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước.
ĐB Hàm cũng đề nghị cần tính toán nguồn vốn bổ sung cho các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nguồn vốn từ việc cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp; cần đảm bảo chủ trương doanh nghiệp nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực then chốt thiết yếu, những địa bàn quan trọng về an ninh quốc phòng. Ông cũng đề nghị Chính phủ quy định rõ chức năng nhiệm vụ của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), không để công ty này đầu tư vào những lĩnh vực không then chốt và nhà nước đang thoái vốn.
ĐB Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế đánh giá, nội dung của báo cáo trên còn đơn giản, chưa lột tả được bức tranh đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ ngành, lĩnh vực nào lỗ, lại, các quốc gia doanh nghiệp nào đầu tư, những vướng mắc...
"Tôi kiến nghị Chính phủ cần tổng kết đánh giá vấn đề này để rút kinh nghiệm thực chất hơn, đưa ra các giải pháp, cơ cấu đối với những dự án kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng, đưa ra những giải pháp kịp thởi giải quyết những vướng mắc đảm bảo không làm ảnh hưởng tới những dự án quan trọng mang tính chiến lược", ông Sơn nói.