Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Do đâu các ngân hàng lớn đang đối lập nhau về chính sách lãi suất?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái ngược với khả năng cao về việc Fed có thể cắt giảm lãi suất tới 3 lần trong năm 2024, những dự báo tương tự đối với Ngân hàng TƯ Anh lại khá dè dặt.

Mặc dù gần đây hầu hết ngân hàng trung ương lớn đều giữ nguyên chính sách tiền tệ, họ lại đưa ra những quan điểm khác nhau về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde. Ảnh: CNN
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde. Ảnh: CNN

Những tín hiệu tích cực từ Mỹ

Vào thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức 5,25-5,5% và Ủy ban Thị trường Mở Liên bang FOMC dự đoán về việc sẽ có ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất vào năm tới, cũng như bốn lần cắt giảm bổ sung vào năm 2025.

Theo CME Group, thị trường dự kiến Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản đầu tiên vào tháng 3, đồng thời dự đoán lãi suất của Fed sẽ thấp hơn khoảng 150 điểm cơ bản vào cuối năm tới.

Dự đoán ba đợt cắt giảm của Fed vào năm 2024 đã tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, với việc chỉ số Dow Jones tăng lên mức kỉ lục 37.000 điểm và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 4% lần đầu tiên kể từ tháng 7.

Lạm phát toàn phần của Mỹ đạt mức 3,1% hàng năm trong tháng 11, vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed nhưng giảm đáng kể so với mức 9,1% vào tháng 6/2022. Hoạt động kinh tế cũng cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, với GDP tăng trưởng ở mức 5,2% trong quý 3.

Khó khăn vẫn dồn dập ở Anh

Trái ngược với Mỹ, bức tranh kinh tế tại Anh tương đối ảm đạm. Mặc dù quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25%, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) không hề đề cập đến việc giảm lãi suất, đồng thời cho biết sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, dù lạm phát toàn phần tại quốc gia này đã giảm xuống mức 4,6% trong tháng 10, thấp nhất trong hai năm, tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của BoE. Trong khi đó, dù tăng trưởng tiền lương gần đây giảm tốc hơn dự đoán, mức tăng 7,3% tại Anh vẫn quá nhanh để BoE xem xét giảm lãi suất trong tương lai gần.

Ủy ban Chính sách tiền tệ của BOE nhận định rằng các chỉ số chính khiến lạm phát dai dẳng ở Anh vẫn mức cao, bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt khiến thị trường lao động suy yếu và đè nặng lên nền kinh tế quốc gia này.

GDP thực của Vương quốc Anh không thay đổi trong quý 3 nhưng tăng trưởng kinh tế hàng tháng bất ngờ giảm 0,3% trong tháng 10.

Theo S&P Global, BOE vẫn đang gặp khó khăn trong việc xác định thời điểm thích hợp để bắt đầu nới lỏng, nhất là khi họ đã từng bị cáo buộc chậm trễ trong các giải pháp đối phó với lạm phát phi mã – từng đạt đỉnh 11,1% vào tháng 10/2022.

ECB duy trì lãi suất ở mức vừa đủ

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng giữ nguyên lãi suất dựa trên dự báo về việc giảm tăng trưởng và lạm phát, đồng thời công bố kế hoạch đẩy nhanh việc thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Trong một tuyên bố, ECB cho biết: “Các quyết định trong tương lai của Hội đồng Quản Trị sẽ đảm bảo rằng lãi suất sẽ luôn duy trì ở mức vừa đủ để hạn chế lạm phát trong thời gian cần thiết”.

Tuy nhiên, họ cũng đã thay đổi những dự đoán về lạm phát theo hướng từ luôn duy trì ở mức cao trong thời gian dài sang giảm dần trong năm tới.

Lạm phát hàng năm của khu vực đồng Euro đã giảm từ 10,6% vào tháng 10/2022 xuống 2,4% vào tháng 11, giúp cho ECB tiến gần hơn đến mục tiêu 2% ngay cả khi các quan chức cảnh báo về những rủi ro phát sinh lạm phát do áp lực từ tiền lương và biến động thị trường.

Mặc dù ECB hạ cấp dự báo về lạm phát trong thời gian ngắn, dự báo về lạm phát lõi năm 2025 lại được điều chỉnh tăng lên một cách đáng kinh ngạc. Không những vậy, dự báo mới nhất của ECB vào năm 2026 vẫn đặt lạm phát lõi cao hơn mức mục tiêu ở cuối thời hạn dự báo.