Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị đại học và bài học quy hoạch

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hàng trăm năm trước, tại nhiều nước trên thế giới, đô thị đại học đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Ở Hà Nội, mặc dù đề án đô thị đại học đã được manh nha từ năm 2003, nhưng phải đến tháng 3/2011,

KTĐT - Hàng trăm năm trước, tại nhiều nước trên thế giới, đô thị đại học đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Ở Hà Nội, mặc dù đề án đô thị đại học đã được manh nha từ năm 2003, nhưng phải đến tháng 3/2011, Bộ Xây dựng mới phê duyệt dự án đô thị đại học lớn nhất miền Bắc của Đại học Quốc gia với diện tích 1.000 ha tại Hoà Lạc.


Sự ra đời của các trường đại học lâu đời trên thế giới như Harvard, Stanford (Mỹ), CambridgeOxford (Anh) đã dần dần hình thành các khu đô thị đại học với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ cho số dân cư từ 50.000 - 100.000 người. Thành phố Boston, bang Massachusett (Mỹ) tập trung tới 50 trường đại học lớn như: Harvard, MIT, Boston, Wellesley College... Chỉ tính riêng đô thị đại học của Harvard và MIT đã có dân số lên tới hơn 100.000 người. Đô thị đại học Stanford có diện tích 8.800 ha, ngoài hệ thống giảng đường, trung tâm nghiên cứu phục vụ cho công tác giảng dạy còn có nhiều chi nhánh của các tập đoàn công nghệ lớn thu hút nguồn lực của chính trường Stanford như: HP, Intel, Hitachi, Yahoo...,


Điểm đặc biệt của các đô thị đại học tiên tiến bậc nhất thế giới là ngoài khu vực phục vụ học tập, nghiên cứu hiện đại, sinh viên còn được rèn luyện tính cộng đồng trong một không gian mở. Đô thị đại học OxfordCambridge (Anh) không hề có tường bao ngăn cách, không có cổng trường. Các khoa chuyên ngành được phân bố khắp thành phố. Hệ thống giao thông công cộng, thư viện, bảo tàng, bệnh viện của Đại học Oxford vừa phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu cho sinh viên trong trường vừa phục vụ dân cư trong vùng.


Tại Nhật Bản, đô thị đại học Tsukuba được xây dựng trên diện tích 258 ha với nhiều giảng đường, trung tâm nghiên cứu hiện đại, bệnh viện, ký túc xá dành cho giáo viên và sinh viên được bố trí rất khoa học. Ngoài ra, Tsukuba còn có 10 trường tiểu học, trung học phục vụ cho dân cư trong vùng. Đặc biệt, Tsukuba cũng không xây dựng hệ thống tường bao mà sử dụng không gian cây xanh và hồ nhân tạo để ngăn cách với thành phố. 


Đại học Quốc lập Singapore (NUS) cách xa trung tâm thành phố khoảng 12 km, trên diện tích 200 ha với nhiều giảng đường, trung tâm nghiên cứu được đặt tại nhiều địa điểm khác nhau. Riêng giảng đường chính của NUS được đặt tại phía Tây Nam Singapore với diện tích lên tới 1,5 km². Đặc biệt, dịch vụ xe bus với các điểm dừng tại giảng đường, trung tâm nghiên cứu thuộc NUS được phục vụ miễn phí cả 7 ngày trong tuần. Tháng 11/2005, NUS đã thông báo về kế hoạch xây dựng đô thị đại học trên diện tích 190,000 m² và dự kiên được hoàn thành trong giai đoạn 2011-2013.


Tại Trung Quốc, đô thị đại học xuất hiện từ năm 1990 và nhanh chóng được quy hoạch, đầu tư xây dựng.


Một trong những đô thị đại học tiêu biểu của Trung Quốc là "Quảng Châu đại học thành" gồm 10 trường đại học với 150.000 sinh viên và 10.000 giảng viên. Ngay từ năm 2000, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã chỉ đạo thành phố Quảng Châu nhanh chóng triển khai dự án này. Toàn bộ vốn đầu tư vào đô thị đại học là từ nguồn ngân sách của tỉnh, sau khi tiến hành quy hoạch tổng thể khu đô thị và thiết kế chi tiết từng trường thành viên xong thì các trường thành viên được quyền chủ động mời các nhà thầu thi công mạnh nhất tiến hành với tốc độ nhanh nhất. Chỉ trong ba năm tính từ lúc khởi công (1/2003) đến lúc hoàn thành năm 2005, đô thị đại học Quảng Châu đã hoàn tất với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.


Đặc biệt, ngoài việc đồng bộ hoá và hiện đại hoá hệ thống cơ sở hạ tầng, đô thị đại học Quảng Châu vẫn giữ nguyên, bảo tồn 48 địa điểm có giá trị văn hóa và kiến trúc cổ đại và biến các di tích này thành những điểm nhấn văn hóa-kiến trúc độc đáo trong một quần thể của viện bảo tàng đô thị đại học.