Đô thị hóa sẽ thành công khi "cả người giàu cũng dùng phương tiện giao thông công cộng"

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mọi người đều quan tâm đến đô thị hóa, nhưng đô thị hóa thế nào là thành công và đem lại lợi ích cho phần lớn người dân?

Bài viết của tác giả John Polkinghorne “Vì sao cần quan tâm đến đô thị hóa?” – trên tạp chí Fightback lấy ví dụ từ những khu đô thị ở New Zealand để đề cập đến những vấn đề đô thị lớn tại các thành phố trên thế giới. 
 Việc dần chuyển đổi sang mô hình xã hội với giá cả phải chăng, công bằng và lành mạnh với lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn là điều mong muốn của mọi người.
Những thành phố đô thị chuẩn mực?
Các thành phố ở New Zealand có nhiều ưu điểm, nhưng bên cạnh đó cũng đối diện với vấn đề thiếu hụt nhà ở và giao thông không mấy thuận lợi. Những ngôi nhà cũ và ẩm mốc với giá cho thuê cắt cổ. Giao thông thường xuyên tắc nghẽn, và thậm chí nguy hiểm đối với người đi bộ. 
Đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ lại về nơi chúng ta đang sống, cách chúng ta tham gia giao thông, tiến tới việc dần chuyển đổi sang mô hình xã hội với giá cả phải chăng, dễ tiếp cận và lành mạnh với lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn. Đó có lẽ là những điều mà mọi người dân thành thị đều mong muốn, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương.
Điều gì làm nền những “thành phố đô thị” chuẩn mực? Đó là những thành phố mang tính bao trùm và cung cấp cho người dân sự đa dạng các lựa chọn về nhà ở và cách thức tham gia giao thông. Khả năng chi trả sẽ quyết định tính “bao trùm”: đó là việc người dân đủ kinh tế để chi trả các nhu cầu cơ bản, theo đó tạo điều kiện cho họ tham gia một cách đầy đủ các hoạt động trong xã hội.
Vì sao vẫn chưa có được những thành phố như vậy?
Kể từ những năm 1950, các chính phủ và hội đồng của New Zealand đã chi phần lớn ngân sách giao thông cho đường lớn, trong khi con số rất khiêm tốn cho cơ sở hạ tầng công cộng, ví như đường cho người đi bộ và xe đạp. Điều đó đã dẫn đến một xã hội nơi “ô tô thống trị” như hiện nay.
Bên cạnh đó, khu vực tập trung đông dân lao động lại thiếu phương tiện giao thông công cộng - không phải do tiền đầu tư đổ hết vào khu vực trung và thượng lưu, mà quá nhiều ngân sách dành cho đường ô tô, khiến các phương thức còn lại bị bỏ rơi.
Người dân lao động bị ảnh hưởng khi không có các lựa chọn thay thế tốt hơn cho ô tô. Các hộ gia đình có thu nhập thấp thường không có ô tô, và điều này có thể khiến họ không tiếp cận được việc làm, cơ hội giáo dục, hay đơn giản là việc di chuyển trong thành phố.
Kể từ những năm 1970, nhiều khu dân cư mới ở New Zealand được xây dựng ở ven các thành phố, nhưng không tính đến phương án dành cho những người không có ô tô. Tốc độ xây dựng nhà ở cũng chững lại kể từ những năm 1970, và biến động theo thăng trầm kinh tế.
Cuộc khủng hoảng nhà ở của Auckland được ghi nhận rõ ràng ở nhiều nguồn dữ liệu. Hầu hết các nước phương Tây có dân số già, do đó số lượng "người trên mỗi hộ gia đình" trung bình đang giảm - nhưng Auckland vẫn giữ nguyên ở mức 3 người/hộ trong giai đoạn 2001-2013 và hiện đã tăng lên gần 3,2. Con số thống kê nghe có vẻ nhạt nhẽo nhưng để lại những hậu quả thực tế, đó là nhiều người dân phải vật lộn để tìm được nơi ở phù hợp. Điều này ảnh hưởng nặng nề nhất đến người thu nhập thấp, dẫn đến tình trạng quá tải và điều kiện sống không đạt tiêu chuẩn.
Giá thuê ở một số thành phố tại New Zealand đã tăng chóng mặt kể từ năm 2015, do tốc độ tăng dân số nhanh hơn tác động đến nguồn cung nhà ở không đủ đáp ứng. Ngay cả ở Auckland, giá thuê đã tăng đều đặn hàng năm (hiện là hơn 560USD/tuần). Chủ nhà không phải cạnh tranh để tranh giành  người thuê nên cũng không quan tâm đến việc nâng cấp cơ sở vật chất - 38% nhà cho thuê ở New Zealand bị ẩm và 20% bị mốc.
Cần một cuộc cải cách
 
Ở cấp độ chính phủ, cả hai đảng cánh tả - hữu đều nhất trí rằng New Zealand “cần thêm nguồn cung nhà ở”. Tôi kỳ vọng nhiều nhà mới ở những nơi trung tâm, giao thông tốt. Dù điều này chưa được tạo điều kiện theo quy hoạch hiện tại. Nhưng mặt khác sẽ cung cấp các lựa chọn nhà ở thực sự và giảm giá thuê ở mặt bằng chung.
Đường dành cho xe đạp và làn dành cho xe buýt cần được triển khai rất nhanh chóng. Với ý chí chính trị và cộng đồng, và chỉ trong vài năm ngắn ngủi, chúng có thể bao phủ các khu vực rộng lớn trong các thành phố. Xây dựng đường xe buýt hoặc đường sắt tốn kém và mất nhiều thời gian hơn, nhưng cũng cần thiết.
Gustavo Petro, cựu thị trưởng Bogotá, cho biết “một quốc gia phát triển không phải là nơi người nghèo có ô tô mà là nơi người giàu sử dụng phương tiện giao thông công cộng ”. Để giải thích điều này: việc sở hữu ô tô khá đắt đỏ với người nghèo. Nếu họ có các lựa chọn giao thông công cộng tốt, đó là một bước khởi đầu. Nếu phương tiện giao thông công cộng thuận tiện đến mức ngay cả người giàu cũng muốn sử dụng nó, thì đó thực sự là thành công.
Một lựa chọn nữa là mở rộng phát triển đô thị ra các vùng ngoại ô vệ tinh. Tôi lớn lên ở một vùng ngoại ô trung tâm Auckland, và sống tại Mt Albert và Sandringham khi đang đi học. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sống trong một căn hộ cho đến khi chuyển đến trung tâm thành phố vào năm 2009. 12 năm trôi qua, tôi chưa bao giờ muốn rời đi. Những khu vực rộng lớn của trung tâm thành phố đã biến đổi xung quanh tôi, tạo ra những căn hộ và khách sạn mới sáng bóng nhưng cũng có những không gian công cộng và mặt nước cách đó một quãng đi bộ ngắn. Tôi chưa bao giờ đi bộ quá 15 phút đến trường đại học và (sau đó) đến cơ quan. Đến bây giờ, con tôi cũng học ở một nhà trẻ không xa quá.
Tôi đã chọn lối sống này, dù có cả ưu và nhược điểm, và tôi may mắn được lựa chọn. Sống gần nơi làm việc là một điều xa xỉ ở Auckland. Nhiều người Auckland chọn điều khác biệt hơn, nhiều người chọn sống ở vùng ngoại ô, dù mất thời gian lái xe đến nơi làm việc là trung tâm thành phố - nhưng nhiều người Auckland không có lựa chọn khác.
Thành quả
Những khu đô thị chuẩn ở New Zealand sẽ trông như thế nào sau mười năm tập trung vào cải tổ? Những thành phố này sẽ xuất hiện dày đặc ở các khu ngoại ô trung tâm, xung quanh các tuyến đường trung chuyển và trung tâm thị trấn. Người dân chủ yếu sống trong các căn hộ chung cư do giá đất đắt đỏ, và chủ yếu có quy mô từ nhỏ đến hộ gia đình với diện tích sàn khá hợp túi tiền. Tuy nhiên, bản thân các tòa nhà có thể thiết kế với quy mô như ở ngoại ô và hòa hợp với môi trường xung quanh.
Các ngôi nhà chủ yếu sẽ theo xu hướng dạng biệt thự, nhà liền kề, hay chung cư dạng thấp (không sử dụng thang máy). 
Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng sẽ mang tính hữu dụng và hiệu quả cao. Cùng với các tuyến xe buýt, các làn đường "di chuyển nhanh", gồm xe điện hay đường sắt, sẽ giúp người dân di chuyển ra hay vào thành phố một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, các tuyến đường bộ và xe đạp tách biệt khỏi làn đường ô tô giúp trẻ em và người già tham gia giao thông một cách an toàn.

Tất cả những điều này là hoàn toàn khả thi. Nhưng chúng ta phải lựa chọn không thay đổi hoặc nỗ lực vì điều gì đó tốt hơn. Và “điều tốt hơn” sẽ tạo ra những lựa chọn tốt hơn cho người dân hiện tại và cả tương lai sẽ sống trong các thành phố, bất kể đó là người giàu, nghèo, sống ở trung tâm hay ngoại ô. Kể cả những người thường xuyên lái xe cũng sẽ cảm nhận được lợi ích từ phố xá bớt đông đúc và tắc nghẽn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần