Đô thị thông minh: Giải quyết bất cập của đô thị hóa

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát triển đô thị thông minh được xem là nền tảng cũng như yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn chuyển mình thành quốc gia có nền kinh tế số cũng như xã hội số trong những năm tới.

Phát triển đô thị thông minh là bắt buộc
Ngày 24/11, Hội nghị cấp cao thành phố thông minh 2020 đã chính thức khai mạc với sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu theo dõi trên các nền tảng trực tuyến và 27 điểm cầu tại 27 tỉnh, TP trong cả nước. Đây là sự kiện được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT nhằm thể hiện quyết tâm của cộng đồng DN với Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2018 là cơ sở và mục tiêu để triển khai xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020 cũng đã đặt ra mục tiêu phát triển về kinh tế số, xã hội số cho Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa việc phát triển đô thị thông minh chính là bắt buộc.
 Phối cảnh thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đô thị thông minh chính là nơi thí điểm, thử nghiệm các chính sách mới, mô hình mới thông qua việc ứng dụng công nghệ số ngay từ khâu xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị. Hướng đi này sẽ giải quyết nhiều vấn đề mà những khu đô thị kiểu cũ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Để thể hiện quyết tâm thúc đẩy triển khai đô thị thông minh, thời gian qua, Bộ TT&TT đã tích cực phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương, DN của cả trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp từ chính sách cho đến ứng dụng thực tế. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng Kiến trúc ICT và triển khai hạ tầng công nghệ số phục vụ phát triển đô thị thông minh tại địa phương.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên. Quá trình này đòi hỏi áp dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (IoT)… Và để triển khai thực sự hiệu quả đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho các cơ quan quản lý. Trong đó hạ tầng CNTT, nền tảng cho phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu đề ra, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tính tương thích, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, khả năng mở rộng linh hoạt trong tương lai và bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong suốt quá trình triển khai, vận hành, quản lý... Điều này cần có sự chung tay của cộng đồng DN.

Giúp phát triển đô thị bền vững

Nói về định hướng phát triển đô thị thông minh, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình khẳng định, đây là xu thế không thể đảo ngược. Việc xây dựng đô thị thông minh là giải pháp tối ưu để giải quyết hàng loạt các vấn đề tồn đọng mà quá trình đô thị hóa đang mang lại. Mô hình ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp các khu đô thị phát triển bền vững hơn thông qua việc tối ưu hóa các nguồn lực, bảo vệ môi trường, an ninh được tăng cao, nhu cầu của người dân được đáp ứng đầy đủ hơn.

Đứng dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái cho biết, trong thời gian tới, việc phát triển đô thị thông minh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh; thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hoá liên thông đa ngành. Đồng thời nghiên cứu ứng dụng, phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững.

Bên cạnh đó lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh bền vững. Đẩy mạnh chính phủ điện tử, xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển đô thị thông minh. Ngoài ra tập trung đào tạo cán bộ đầu mối của Đề án 950; xây dựng cơ chế điều phối phát triển đô thị thông minh; tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế.

“Tất cả các nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển đô thị thông minh đều nhằm hướng tới 3 mục tiêu cơ bản là đạt được một môi trường đô thị bền vững; cuộc sống chất lượng có chất lượng cao của cư dân và tạo ra nền kinh tế có sức cạnh tranh” – ông Trần Quốc Thái nói.

Hội nghị cấp cao thành phố thông minh 2020 sẽ có 3 chuyên đề với 6 hội thảo tập trung thảo luận về chiến lược và chính sách xây dựng đô thị thông minh. Tại đó, đại diện đến từ nhiều TP trong khu vực như Penang (Malaysia), Khonkaen (Thái Lan) hay các TP đang đi đầu trong việc xây dựng đô thị ở Việt Nam như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Huế… sẽ chia sẻ kinh nghiệm hữu ích trong triển khai thực tế của mình. Bên cạnh đó, các DN công nghệ hàng đầu như Viettel, FPT, VNPT, Amazon cũng sẽ đưa ra các tư vấn cùng giải pháp công nghệ cho các mô hình đô thị thông minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần