Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị xanh từ vật liệu xây dựng

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nhu cầu gia tăng về một nơi sống thoáng đãng, thân thiện với môi trường, những năm qua, các nhà đầu tư cho ra đời nhiều khu đô thị sinh thái đạt tiêu chí sống xanh, khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Khu đô thị Vinhomes Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Khu đô thị Vinhomes Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ứng dụng công nghệ mới

Vật liệu xây dựng (VLXD) là một yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng các đô thị sinh thái khi chiếm tới 30 - 50% tổng đầu tư xây dựng. Đây cũng là nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường không nhỏ bởi tiêu tốn nhiều tài nguyên, tạo ra các chất thải độc hại, rác thải xây dựng khó tái chế. Vì vậy, việc tìm kiếm các vật liệu xanh, tái chế những phế thải trong xây dựng là xu hướng phát triển bền vững được nhiều DN, chủ đầu tư quan tâm.

Theo TS Tống Tôn Kiên - Khoa Vật liệu xây dựng, trường Đại học Xây dựng, hiện gạch không nung, nhôm kính, đá nhân tạo, xi măng sợi, sơn an toàn… là những VLXD bền vững đang được nhiều DN tập trung sản xuất. Song hành đó là nhiều nghiên cứu nhằm tái chế phế thải xây dựng; nguồn nguyên liệu thay thế cát tự nhiên đang được tập trung nghiên cứu nhằm đưa vào sản xuất.

Về phần DN, Tổng Giám đốc đơn vị sơn trang trí AkzoNobel Việt Nam Nguyễn My Lan cho biết, VLXD phổ biến là sơn cũng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ khi hàm lượng những chất cực độc đối với con người và môi trường như chì, VOC, Formaldehyde càng ngày càng được giảm thiểu. Thậm chí, nhiều DN sơn hàng đầu đã ứng dụng rất nhiều công nghệ mới giúp đảm bảo các yếu tố bền vững, xanh sạch cho môi trường, đáp ứng tiêu chí của các đô thị sinh thái.

“Xây dựng các đô thị sinh thái là nhu cầu tất yếu về việc nâng cao chất lượng không gian ở, môi trường sống theo tiêu chí sống xanh, khỏe mạnh và phát triển bền vững. AkzoNobel đặt mục tiêu giảm 50% phát thải cacbon trong hoạt động vào năm 2030, giảm 42% trong toàn bộ chuỗi giá trị so với năm 2020, giảm 50% tiêu thụ năng lượng vào năm 2030 so với năm 2018 và sử dụng 100% điện tái tạo vào năm 2030” – bà Nguyễn My Lan cho hay.

Nâng ý thức của chủ đầu tư

Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thử thách như biến đổi khí hậu, đại dịch… Đó là lý do cần phải xây dựng những TP bền vững hơn, hướng đến cuộc sống không phát thải, tiết kiệm năng lượng, nỗ lực xanh hóa ngay từ khâu vật liệu để góp phần đặt nền móng cho những đô thị sinh thái đúng nghĩa.

Một số ý kiến nhìn nhận, đô thị sinh thái có sức hấp dẫn như một thiên đường mà mọi cư dân đều mong muốn được sinh sống ở đó. Một trong số ít dự án có thể được gọi là đô thị sinh thái đầu tiên của Hà Nội là Ciputra. Ngay từ thời điểm 10 năm trước, chủ đầu tư đô thị này đã kêu gọi xây dựng văn hoá sinh thái, với mục tiêu xây dựng ý thức cộng đồng cư dân về bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe con người từ việc chăm sóc môi trường sống tại chính khu đô thị.

Tại Ciputra, văn hóa sinh thái duy trì dựa trên 4 hành động gồm: Kiến tạo không gian xanh, xây dựng con đường sinh thái, ứng dụng văn hóa sinh thái gắn với cuộc sống và xây dựng văn hóa cộng đồng. Với hơn 50,8ha dành cho cây xanh và 26,1ha dành cho hệ thống kênh, hồ quy hoạch đồng bộ giúp mật độ cây xanh/người của Ciputra Hanoi cao tương đương với quốc đảo xanh nhất thế giới Singapore (20m2/người). Và nơi đây cũng đáp ứng nhiều tiêu chí “xanh” để cư dân có một cuộc sống tốt nhất.

Các chuyên gia nhận định, để có thể có những đô thị sinh thái đúng nghĩa, cần sự đồng hành, quyết tâm của rất nhiều DN, đặc biệt là các DN sản xuất VLXD và chủ đầu tư dự án. Bởi lẽ khi bắt đầu từ những giá trị cốt lõi như kiến trúc hay VLXD, các đô thị sinh thái ở Việt Nam sẽ thực sự mang tới cuộc sống xanh, sạch và bền vững.

 

Việt Nam đã từng bước xác định chiến lược phát triển theo các mô hình đô thị hiện đại như đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, như Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 84/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

(Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)...