Đại lộ Thăng Long gồm 2 dải cao tốc với 6 làn xe và 2 nhánh đường gom, tổng chiều dài 25,4km, đi qua địa phận các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất… Do địa bàn rộng lại thưa vắng dân cư nên hai nhánh đường gom của Đại lộ đã trở thành điểm lý tưởng để nạn đổ trộm phế thải hoành hành.
|
Những đống đất, đá, phế thải xây dựng chất cao bên lề đường gom Đại lộ Thăng Long |
Thị sát thực tế tại tuyến Đại lộ Thăng Long trong ngày 21 và 22/3, PV ghi nhận dọc hai tuyến đường gom la liệt những đống phế thải gồm bùn đất, gạch đá xây dựng, kể cả phế thải sinh hoạt chất ngổn ngang trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường. Một số điểm xuất hiện dày đặc những đống phế thải xây dựng cao hàng mét, có thể kể đến như: km24 (hướng Hà Nội – Xuân Mai); km6 gần Cầu 70 (hướng Hà Nội – Xuân Mai), km11-12 gần khu An Khánh (hướng Xuân Mai – Hà Nội)…
Ngoài ra, rất nhiều đoạn trên tuyến đường còn xuất hiện tình trạng đất, đá, sỏi rơi vãi, khiến bụi tung mù mịt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đáng chú ý, “phế thải tặc” còn hoành hành, ngay trên một số nhánh đường vào khu dân cư thuộc huyện Quốc Oai và Thạch Thất. Chủ yếu những đoạn này là phế thải sinh hoạt, phế thải làng nghề như vải vụn, mút xốp…
|
Đất đá tràn ra lòng đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông |
Liên quan đến tình trạng đổ trộm phế thải liên tục tái diễn, ông Nguyễn Hoàng Anh Phó giám đốc chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) - đơn vị được giao nhiệm vụ duy trì vệ sinh môi trường trên Đại lộ Thăng Long cho biết: Tình trạng đổ trộm vật liệu, phế thải xây dựng dọc tuyến đường này xuất hiện từ lâu, xong xuất hiện dày đặc từ cuối năm 2017. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Cầu Diễn mặc dù được giao theo gói thầu chỉ gồm quét hút bụi, nhặt rác thủ công kết hợp với thi công cơ giới, không có hạng mục thu dọn đất phế thải. Nhưng để đảm bảo vệ sinh môi trường tuyến đường này, năm 2017 đơn vị vẫn tiến hành thu gom được 2.900 tấn đất, phế thải xây dựng bằng nguồn vốn đặt hàng không thường xuyên của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội.
|
Đất đá đổ trộm gây bụi mù mịt, ảnh hưởng môi trường xung quanh |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, do không nằm trong nội dung gói thầu, không được bố tri kinh phí thu gom nên những điểm phế thải xây dựng lớn chưa được thu dọn như: khu vỉa hè từ cầu Phú Đô đến cầu vượt đường 70; khu vực hầm chiu cầu vượt An Khánh; khu vực hầm chui từ dự án Bảo tàng Quân đội – Tây Mỗ… “Hiện nay, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Cầu Diễn đang làm văn bản gửi các cơ quan chức năng của TP đề nghị bổ sung kinh phí thu dọn hạng mục đất phế thải xây dựng đổ trên tuyến đường. Nhưng để xoá bỏ triệt để nạn đổ trộm đất phế thải, chúng tôi mong chính quyền địa phương, lực lương chức năng thắt chặt hơn nữa công tác tuần tra, xử lý” – ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.
|
Đá dăm, vữa rơi vãi đầy mặt đường gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông |
Được biết, để xử lý tình trạng đổ trộm phế thải trên Đại lộ Thăng Long, Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã có kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng của TP và các quận, huyện có tuyến đường đi qua rà soát, nắm bắt tình hình kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “trước rắn, sau buông” của lực lượng chức năng thì việc gắn trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho những người đứng đầu là giải pháp cần thiết. Có như vậy hành lang giao thông văn minh, sạch đẹp cho tuyến Đại lộ Thăng Long mới được đảm bảo bền vững.