Nước ngọt- ngọt miệng, đắng lòng
Đồ uống có đường bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, cà phê hòa tan, trà hòa tan, nước có pha chế hương liệu, sữa pha chế hương liệu, nước uống thể thao tăng lực. Theo ghi nhận, lượng tiêu tiêu thụ đồ uống có đường, nước giải khát không cồn tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở nhóm trẻ tuổi. Nếu như năm 2002, trung bình mỗi người ở nước ta chỉ dùng 6,04 lít/năm đồ uống có đường thì năm 2021 đã tăng lên 55,78 lít/năm. Con số này cho thấy chỉ sau gần 20 năm, sử dụng đồ uống có đường ở nước ta đã tăng gần 10 lần.
Cùng với đó, hiện trung bình một người Việt tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa là 50g một ngày và cao gần gấp đôi so với mức nên tiêu thụ mỗi ngày và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g một ngày theo khuyến cáo của WHO.
Đưa ra khuyến cáo về ảnh hưởng của đồ uống có đường với sức khỏe, ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no. Đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư.
Vì vậy, WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trong một phân tích gộp kết quả từ 88 nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng nước ngọt với việc tăng năng lượng và trọng lượng cơ thể. Các nghiên cứu ở trẻ em và người lớn đã chỉ ra rằng, ở những người thừa cân việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cũng cho hay, không chỉ gây thừa cân, béo phì, đồ uống có đường còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá như bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh huyết áp, bệnh tim mạch, gút, có liên quan đến giảm khả năng sinh sản…
Đồng thời, đồ uống có đường cũng là nguyên nhân chính gây ra sâu răng và các bệnh về răng. Nghiên cứu về tình trạng sâu răng vĩnh viễn ở trẻ em Việt Nam tại 17 tỉnh cho thấy: 20,9% trẻ từ 6-8 tuổi; 43,7% trẻ từ 12-14 tuổi; 36,3% trẻ 15-17 tuổi và 34,4% trẻ 9-11 tuổi bị sâu răng vĩnh viễn.
Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017-2020) do Bộ Y tế công bố năm 2021 cho thấy, tỉ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỉ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Cũng theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. “Giảm đồ uống có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, đây là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phố biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra” - Bộ Y tế nhìn nhận.
Tăng thuế để kiểm soát tiêu thụ
Để bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của WHO, cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là nước uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn.
Thực tế hiện nay, tại Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%. Do vậy, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra bốn phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường để bảo vệ sức khoẻ cho các thế hệ tương lai.
Căn cứ vào kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam những năm gần đây, đề xuất của Bộ Tài chính về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhằm mục đích kiểm soát béo phì, các bệnh lây nhiễm có thể coi là một đề xuất hợp lý.
Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết: Bộ Y tế đề xuất tất cả đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế căn cứ hàm lượng đường trong 100 ml. Bà Trang cho rằng, nên quy định ngưỡng. Hàm lượng đường trên ngưỡng này thì đánh thuế, theo nguyên tắc đồ uống càng nhiều đường mức thuế càng cao. Ngược lại, dưới ngưỡng thì không phải chịu thuế.
Trước đề xuất của Bộ Tài chính, các DN bia, rượu, nước giải khát xin hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này và không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Lý do là vừa bước qua giai đoạn khó khăn bởi Covid-19, cần thời gian phục hồi sản xuất và không có định nghĩa “đồ uống có đường”.
Ngành nước giải khát ở Việt Nam cũng đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, với sự tham gia của hàng loạt công ty lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Red Bull, CocaCola Việt Nam… Theo thống kê từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), doanh thu của ngành mỗi năm đạt tới trên 200.000 tỷ đồng, đóng góp gần 60.000 tỷ đồng hàng năm cho ngân sách nhà nước.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, sản lượng tiêu thụ của ngành đồ uống có đường có thể suy giảm trong một vài năm đầu tiên, nhưng sau đó sẽ phục hồi và có thể tiếp tục tăng. Hơn nữa, về bản chất thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ thuế cho người tiêu dùng nên ngoài mức suy giảm trong một thời gian ngắn về sản lượng thì các doanh nghiệp trong ngành ít chịu các tác động khác.
Hiện nay, trên thế giới có 56 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đánh thuế đối với đồ uống có đường, đến nay đã có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối với đồ uống có đường. Trong đó, 56 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt; 9 quốc gia áp thuế nhập khẩu; 2 quốc gia áp thuế hàng hóa và dịch vụ. Trong đó có những quốc gia phát triển và đang phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga... Trong khu vực ASEAN đã có 7/10 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.