Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đoàn kết - bài học luôn mang tính thời sự

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là nội dung chuyên đề năm 2020 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến nhận định, đây là chuyên đề rất có ý nghĩa trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng cấp cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

GS.TS Hoàng Chí Bảo phát biểu về chuyên đề “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Ảnh: Hiền Hòa
Kết tinh tư tưởng của Bác
Tại cuộc học tập, nghiên cứu chuyên đề năm 2020 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vừa được Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức, GS.TS Hoàng Chí Bảo (chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: Nội dung chuyên đề năm 2020 bao quát một vấn đề rất rộng lớn về cả lý luận và thực tiễn. Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, coi đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng. Ai không có khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng và các đồng chí của mình thì không thể làm cách mạng, không thể làm cán bộ. Ngoài ra, đoàn kết không chỉ là vấn đề đạo đức, nhận thức khoa học mà còn là giá trị văn hóa vì nó bao hàm cả sự bao dung, độ lượng. “Không có gì tốt hơn là sự thành thật. Lời nói từ trái tim đến trái tim là con đường ngắn nhất để người ta xích lại gần nhau. Đó là điểm thiết thực khi nói về đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế” – GS.TS Hoàng Chí Bảo chỉ ra.
Các tư liệu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho thấy, Người đã chỉ rõ các nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là phải tin vào dân, dựa vào dân, vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết trên cơ sở hiệp thương dân chủ, chân thành, thẳng thắn, thân ái, đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình, phê bình và đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc.
Về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, GS.TS Hoàng Chí Bảo phân tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, việc nước là việc chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm “gánh vác một phần”. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn ý thức được sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề đó. Người nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của vấn đề là đoàn kết, “một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Người yêu cầu “các đồng chí từ T.Ư đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi mắt mình”...
Sức mạnh to lớn
Thực tiễn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định bài học đại đoàn kết toàn dân tộc chính là sức mạnh to lớn đưa đất nước ta vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, gian khổ đến thành công, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày nay. Bài học này hiện càng mang tính thời sự khi Đảng đang thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo GS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta. Trong Đảng có đoàn kết, mới có đoàn kết ở ngoài xã hội. Trong cấp ủy, trong lãnh đạo có đoàn kết được, mới có đoàn kết của một tổ chức. Đoàn kết trước hết từ bên trên, trước hết từ bên trong. Điều này như là một nguyên lý, điều kiện tiên quyết, điều then chốt của mọi then chốt. Từ thắng lợi của các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước đã thể hiện rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) cũng nhận định, với thành quả của các chặng đường đấu tranh cách mạng, trực tiếp là của công cuộc đổi mới, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đánh giá: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay". Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của cán bộ, đảng viên. Có được thành quả đó, một yếu tố hết sức quan trọng là Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh. Điều đó thể hiện rõ trong việc chú trọng xây dựng những giá trị chuẩn mực đạo đức trong Đảng, ra sức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp.
Việc thực hiện chuyên đề năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa việc học tập và làm theo gương Bác đi vào nền nếp.