Đó là ý kiến đã được nhiều DN nêu tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015 tổ chức ngày 29/10. Các DN kiến nghị, Bộ Tài chính cần cải cách hành chính nhiều hơn nữa trong lĩnh vực thuế, hải quan để thực sự tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho DN.
Cái ô cũng bị kiểm tra chuyên ngành
Đại diện Công ty TNHH An Đô - DN hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm, DN đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm một nhân viên chuyên làm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Các thủ tục này, theo DN, là không linh động bởi cùng một mẫu hàng mà vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại. “Cái ô che mưa nắng cũng phải kiểm tra chuyên ngành, 1 tấn vải chỉ mất một vài triệu đồng tiền thuế nhưng mất 8 triệu đồng kiểm tra chuyên ngành” - đại diện DN này bức xúc. Cùng quan điểm, đại diện Công ty CP Thương mại Citycom nêu lên thực tế, thủ tục kiểm tra liên ngành chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng chi phí của DN. Vì thế, DN kiến nghị giảm tần suất kiểm tra liên ngành.
Trước các ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, sự kiểm tra là cần thiết để đảm bảo sự an tâm cho người dân, DN, nhưng, lãnh cũng cho rằng, thời gian, thủ tục kiểm tra đôi khi quá lâu, mất nhiều chi phí của DN nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. “Chúng tôi đồng tình với việc những hàng hóa nhập khẩu trực tiếp thì giảm tần suất và yêu cầu. Còn đối với những mặt hàng khác, vẫn giữ nguyên - ông Tuấn nói.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Hanaka (Từ Sơn, Bắc Ninh) kiến nghị, Bộ Tài chính sớm có chính sách ưu đãi đối với DN thứ cấp đầu tư nhằm thu hút đơn vị sản xuất vào khu công nghiệp. Về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn trả lời, trước 1/6/2009 đây là cụm công nghiệp và sau đó là khu công nghiệp Hanaka. Chính sách trước đây đối với khu công nghiệp là có miễn giảm thuế. Tuy nhiên, chính sách thuế có thay đổi giai đoạn 2009 - 2013 không khuyến khích ưu đãi với DN trong khu công nghiệp. Đối với những DN đang đầu tư từ trước đây (giai đoạn còn là cụm công nghiệp) vào đây, theo quy định, không được hồi tố.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế rằng, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về ưu đãi thuế cho DN. Những ưu đãi của thời kỳ trước, giấy phép cấp cho ưu đãi đầu tư mới, nhưng theo luật lại không được. Theo bà Cúc, nên khuyến khích ưu đãi để DN nước ngoài có những đầu tư mới tại Việt Nam.
Liên quan tới cơ sở dữ liệu về giá, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, một trong những kiến nghị Hiệp hội thép kiến nghị và đang tập hợp ý kiến, nghiên cứu để có biện pháp tự vệ phù hợp với tình trạng nhập khẩu thép từ Trung Quốc. “Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ KH&CN sửa danh mục 2 về nhập khẩu thép. Đối với những việc phải áp dụng biện pháp tự vệ về giá thì vẫn phải thực hiện để đảm bảo lợi ích cho DN” - ông Tuấn nói.
Đến chi ngoài luồng, DN Nhà nước vẫn được ưu ái
Vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc của DN cần ngành tài chính cải cách hơn nữa. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo một kết quả khảo sát của VCCI, 32% DN cho biết họ phải chi trả các chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức không đồng đều giữa các nhóm DN theo nguồn vốn chủ sở hữu.
Đặc biệt, cũng theo kết quả khảo sát, khối DN Nhà nước thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục thuế, hải quan. Cụ thể, chỉ có 19% DN Nhà nước cho biết phải chi thêm, trong khi có 33% DN dân doanh phải chi khoản này. Tỷ lệ này tại DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt tới 41%. Trong khi đó, theo lĩnh vực hoạt động, DN nông nghiệp phải chi ngoài luồng thấp nhất, chỉ chiếm tỷ lệ 23%. Ngoài ra, có tới 40% DN tin rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chỉ trả chi phí không chính thức. Tỷ lệ lo ngại cao nhất trong khối DN FDI với 48%, tiếp đến là DN dân doanh với 42% và DN Nhà nước chỉ chiếm 29%. Với lĩnh vực hải quan, một số DN phản ánh cán bộ hải quan có thái độ không hợp tác cùng DN, thờ ơ với những vất vả của DN, vẫn còn có phản ánh về hiện tượng vòi vĩnh… Vì thế, các DN yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước cần cải cách và tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhiều hơn nữa.
Theo đại diện Bộ Tài chính, Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ với những mục tiêu như giảm thời gian thông quan và thời gian thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, qua thực tiễn triển khai đã mang lại nhiều lợi ích cho DN. Dù vậy, công tác hải quan và thuế vẫn cần làm nhiều việc hơn nữa, lắng nghe ý kiến đóng góp của DN hơn nữa để điều chỉnh và sửa đổi những bất cập, vướng mắc liên quan tới ngành mình. Như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu của DN.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế cho rằng, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về ưu đãi thuế cho DN
|
Theo số liệu của Bộ Tài chính, hệ thống khai thuế điện tử hiện đã được triển khai đến 63 tỉnh, TP. Hết tháng 10/2015, tổng số DN đã đăng ký nộp thuế điện tử qua cổng của Tổng cục Thuế xấp xỉ đạt 458.000 DN. |