Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp bức xúc về tăng lương

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc đối thoại với DN về tình hình thực thi pháp luật sáng 21/7, nhiều bức xúc của DN đã được gửi đến lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và Sở LĐTB&XH Hà Nội.

Nổi lên trong đó là đề nghị chưa tăng lương năm 2018; sử dụng và trả lương cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Không thể không tăng lương

Hội đồng tiền lương đã họp phiên thứ hai bàn việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 với mức đề xuất tăng 13%. Việc này khiến nhiều DN bức xúc, nhất là khối ngành dệt may. Đại diện Tổng Công ty May 10 đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng, vì: “Ngành may mặc có số lao động đông, trả lương theo sản phẩm. Chúng tôi đang phải bù lương cho 5% số lao động có tay nghề thấp. Nếu tiếp tục tăng lương cộng với bảo hiểm nhân với hệ số bình quân 1,13 sẽ thành trên 4 triệu đồng. Trong khi 5% người lao động (NLĐ) làm việc không đạt năng suất, hưởng lương theo sản phẩm dưới 4 triệu đồng, nếu được nhận mức cao hơn sẽ có tâm lý ỷ lại. Vì thế, tăng lương lên 13% rất khó cho DN sử dụng nhiều lao động”.

Người lao động nhận lương qua thẻ ATM tại Khu công nghiệp Thăng Long.  Ảnh: Phạm Hùng

Phản hồi vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động tiền lương Lê Văn Thành ghi nhận kiến nghị của các DN và hiệp hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định: Sẽ phải điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, nhưng tăng lương ở mức độ nào vẫn đang trong quá trình tham vấn các bên và sẽ quyết định ở phiên họp cuối cùng. Việc nâng lương sẽ đảm bảo 3 vấn đề: Hài hòa lợi ích trong tạo việc làm cho NLĐ, chi phí của DN phù hợp, đời sống của NLĐ được cải thiện. Nói thêm về tăng lương tối thiểu năm 2018, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng 13% để đảm bảo đời sống cho NLĐ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị dưới 5%. Hội đồng tiền lương sẽ tiếp tục thương lượng đàm phán để đưa ra phương án cuối cùng.

Lao động nước ngoài được trả lương VNĐ

Sử dụng lao động người nước ngoài thế nào cho đúng là vấn đề được nhiều DN đặt ra tại buổi đối thoại. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH Mai Đức Thiện cho biết có 3 trường hợp được tuyển lao động người nước ngoài gồm: Chuyên gia; Giám đốc điều hành; Lao động kỹ thuật. “Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn quy định cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử. Khi các trường hợp NLĐ nước ngoài được cấp phép thì DN mang hồ sơ gốc đến để đối chiếu là xong”. Ông Thiện cũng cho biết, dự thảo quy định người nước ngoài làm việc tại Việt Nam quy định khi đã có giấy phép lao động hoặc có chứng chỉ hay giấy phép hành nghề sẽ phải tham gia cả 5 chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) kể từ ngày 1/1/2018. Còn ông Lê Văn Thành cho hay, lương của lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được tính bằng Việt Nam đồng. Vì thế, các DN trả tiền lương bằng USD phải chuyển sang tiền Việt Nam để thực hiện ký hợp đồng lao động và làm căn cứ đóng BHXH.

Rất nhiều vấn đề mà các DN đang gặp phải được gửi đến lãnh đạo ngành LĐTB&XH. Điển hình là phía các DN dệt may là ngành đặc thù, làm việc theo thời vụ nên họ đề nghị giờ làm thêm không quá 4 giờ/ngày, 60 giờ/tháng và 720 giờ/năm thay vì 300 giờ như hiện nay. Ngay cả việc đào tạo cho NLĐ mới được tuyển dụng cần phải có giấy phép cũng khiến nhiều DN lúng túng. Song Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết, nếu DN đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên mới phải xin giấy phép đào tạo. Ngoài ra, giáo viên phải có văn bằng chứng chỉ về nghề đào tạo, đặc biệt là chứng chỉ sư phạm, đảm bảo cơ sở vật chất theo đúng các ngành nghề mà công ty đang sản xuất. Ngoài ra còn là những thắc mắc về mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ, chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp...