Kinhtedothi - Kết quả khảo sát về Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) lần thứ 15, thực hiện vào tháng 5/2014, do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 17/6 cho thấy, niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng DN châu Âu tiếp tục gia tăng: Chỉ số BCI quý II/2014 đã trở về giai đoạn thịnh vượng của năm 2011, tăng từ 59 điểm quý I lên 66 điểm quý II.
Mức tăng trưởng này càng thể hiện rõ sự cam kết của các DN châu Âu vào thị trường Việt Nam. Trong đó, lãnh đạo EuroCham cho rằng, xu hướng khả quan của chỉ số BCI liên quan đến các đàm phán thương mại đang diễn ra như Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Châu Âu-Việt Nam và sự hình thành Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2015.
Với xu hướng hình thành cộng đồng này, cuộc khảo sát có yêu cầu các DN đánh giá lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trong khối ASEAN qua nhiều tiêu chí khác nhau. Kết quả cho thấy, chi phí nhân công thấp được nhận định là một trong những lý do chính để khuyến khích các DN thành viên EuroCham đầu tư vào Việt Nam.
Mặc dù vậy, đại diện EuroCham cũng lưu ý, phần lớn DN phản hồi đánh giá Việt Nam kém cạnh tranh về mặt cơ sở hạ tầng (75%) và hệ thống pháp luật/hành chính (80%).
Về các yếu tố phát triển thị trường củng cố sự gia tăng của chỉ số BCI, khảo sát cho thấy, việc tăng kế hoạch đầu tư, đánh giá tích cực vào tình hình kinh doanh và triển vọng kinh doanh góp phần quan trọng không kém.
Tuy nhiên, hầu hết các phản hồi này được thực hiện trước khi diễn ra các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại một số địa phương, việc này có thể ảnh hưởng đến kết quả tổng quan của khảo sát.
Số lượng DN đánh giá khả quan về tình hình kinh doanh duy trì mức ổn định 44%, so với 45% quý I/2014 và 43% cùng thời điểm năm ngoái. Thêm vào đó, lượng phản hồi không khả quan đã giảm đáng kể từ 29% còn 21%. Tuy nhiên, để duy trì xu hướng tích cực này, Chính phủ cần lưu ý và giải đáp các vướng mắc mà các doanh nghiệp châu Âu đang đối mặt.
Cụ thể, khảo sát yêu cầu các DN thành viên đánh giá ảnh hưởng của Nghị định 102/2013/NĐ-CP và Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH về việc sử dung lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đến hoạt động kinh doanh của họ; 69% DN phản hồi cho rằng Nghị định trên có ảnh hưởng đáng kể. Điều này được thể hiện rõ hơn qua kết quả, chỉ 16% phản hồi cho rằng, việc thiếu hụt lao động tay nghề cao không ảnh hưởng, trong khi 50% cho biết vấn đề này sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Triển vọng kinh doanh duy trì mức khả quan, với số lượng phản hồi tích cực đạt trên mức trung bình với chỉ số 57%, so với quý trước 49% và năm trước 44%. Ở quý này, cộng đồng DN Châu Âu đặt kỳ vọng cao vào tính khả thi của FTA Châu Âu-Việt Nam. Ngoài ra, các DN có liên quan cho biết, họ tin tưởng hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS sẽ đem đến tác động hiệu quả (75%).
Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy, kế hoạch tuyển dụng và đầu tư tiếp tục phát triển, dù doanh thu và số lượng đơn hàng mong đợi giảm. Xu hướng tích cực ở kế hoạch đầu tư đã trở lại, với 81% số DN dự định giữ hoặc tăng mức đầu tư, so với 78% quý trước. Xu hướng tích cực này đồng thời tác động đến kế hoạch tuyển dụng của các DN, với số DN dự tính tăng nhân sự tiếp tục tăng, từ 48% quý trước đến 55% quý này, trong khi số lượng DN dự tính giàm nhân sự cũng giảm so với quý trước còn 11% (so với 15% quý trước).
Chủ tịch EuroCham-bà Nicola Connolly chia sẻ: “Thật khả quan khi thấy chỉ số BCI tiếp tục tăng cao đến mức ấn tượng 66. Mức gia tăng 7 điểm nhấn mạnh các DN thành viên thể hiện lòng tin vững chắc vào FTA khả thi. Về phía EuroCham, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu để đảm bảo Hiệp định sẽ đem lại các lợi ích thực tiễn cho các DN thành viên của chúng tôi trong thời gian sắp tới”.
Ảnh minh họa.
|
Khảo sát yêu cầu các DN đánh giá Hiệp định FTA sẽ ảnh hưởng tính cực nhất ở ngành nghề nào, thì 50% trả lời đó là ngành thương mại, 33% ngành sản xuất và 10% ngành dịch vụ. Điều này củng cố cho thông tin rằng FTA tác động lên các đa dạng ngành nghề khác nhau, không chỉ đơn thuần ngành thương mại. |