Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp chưa vội mừng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giảm lãi suất, có thể áp trần lãi suất (LS) cho vay… đó là tín hiệu được phát ra tại Phiên họp Thường kỳ Chính phủ vừa qua. Giới doanh nghiệp (DN) đón nhận thông tin này xen lẫn mừng, vui và sự hoài nghi, vì giảm hay áp trần LS cho vay không đồng nghĩa với việc DN có thể tiếp cận được nguồn vốn LS thấp.

Băn khoăn với áp trần lãi suất

Báo cáo đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho biết, trong số hơn 2.000 DN tham gia điều tra thì có gần 39% DN gặp khó khăn về tín dụng. Gần 90% DN được hỏi đều cho biết họ tiếp cận các khoản vay phi chính thức do không thể tiếp cận được nguồn vốn chính thức từ các tổ chức tín dụng.

Theo ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu (Aprocimex), tín dụng vẫn được nhìn nhận là rào cản lớn đối với sự phát triển của DN. Hiện, nhiều DN chưa ký được hợp đồng mới, trong khi đó, hợp đồng cũ dở dang vì thiếu vốn.

Doanh nghiệp chưa vội mừng - Ảnh 1

Tín dụng vẫn là rào cản lớn đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong ảnh:  Giao dịch tại một chi nhánh của Maritime Bank. Ảnh: Trần Việt

Để ngân hàng tích cực hơn nữa trong giảm LS cho vay, một biện pháp đang được Ngân hàng Nhà nước tính đến là áp trần LS cho vay. Nếu khả năng này xảy ra thì đây sẽ là lần đầu tiên trần LS cho vay chính thức được áp dụng. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Trương Thanh Đức cho rằng, việc áp thêm một biện pháp hành chính không giải quyết được nhiều vấn đề. "Chúng ta đang có trần LS huy động, thực tế là không ít ngân hàng vẫn đang mời chào người gửi với LS vượt trần. Nếu thêm trần LS cho vay, sẽ lại có tình trạng thỏa thuận LS"- ông Đức nói.

Nhóm Công tác Ngân hàng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 cũng kiến nghị, Việt Nam nên xóa bỏ những biện pháp hành chính tạm thời đã áp dụng trong thời gian qua càng sớm càng tốt. Bởi biện pháp hành chính sẽ dẫn tới tình trạng các ngân hàng cho vay ít hơn đối với những lĩnh vực ưu tiên so với trước, vì ngân hàng sẽ ít khả năng thu được đủ mức lợi nhuận tương ứng với mức rủi ro phải gánh chịu hơn.

Hoài nghi giảm lãi suất

Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ họp bàn để điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm. Theo ông Muôn, mức lãi suất huy động lý tưởng sẽ ở mức 7,5 - 8%, cộng thêm 2,5 - 3% chi phí thì cho ra lãi suất cho vay 10%. Mức lãi này sẽ hỗ trợ nhiều cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tính đến 20/11 trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ dừng ở mức 4,15%, thì số dư tiền gửi tăng mạnh ở mức 15,98%. Bởi vậy, việc giảm LS là hoàn toàn có cơ sở. Điều kiện đã có nhưng ngân hàng có giảm hay không lại là một câu chuyện khác, vì vẫn có tình trạng một số ngân hàng huy động vượt trần. Với giá vốn đầu vào vẫn cao, việc hạ đầu ra sẽ không dễ. Đó là chưa kể, câu chuyện sân sau ngân hàng vẫn còn nhức nhối. Bởi vậy, không loại trừ một lượng vốn lớn của các ngân hàng sẽ dành cho các DN "người nhà".

Giới DN đón nhận thông tin giảm LS trong băn khoăn và hoài nghi. Ông Bùi Cảnh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Hattra cho biết, hiện, giá sản phẩm nội địa cao là do LS cao. Nếu LS giảm sẽ là điều kiện để DN giảm giá bán, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho.

Tuy nhiện, nhiều DN hoài nghi, liệu ngân hàng nói nhưng thực hiện có nghiêm túc. Và khi bị "áp" giảm LS hay áp trần LS cho vay, sẽ có nhiều khoản phí cho vay lại "đè đầu" DN.

Một lý do quan trọng nữa, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, sức cầu vẫn yếu, hàng tồn kho nhiều, trong những tháng cuối năm đa số các DN đều không tính đến mở rộng sản xuất mà chú trọng tiêu thụ hàng tồn kho. Bởi vậy, bên cạnh việc giảm LS, giải quyết nợ xấu, nhiều DN cho rằng, Chính phủ cần có nhiều biện pháp hơn nữa như giảm thuế, cải thiện môi trường đầu tư, kích cầu tiêu dùng... giúp DN giải phóng hàng tồn kho.