Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp còn khó khăn, cần thêm trợ lực

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia kiến nghị cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, xem xét giảm thuế VAT... Với việc triển khai hỗ trợ lãi suất, NHNN cần xem xét điều chỉnh room tín dụng; có biện pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ chính sách hiệu quả.

Sau phiên khai mạc, ''Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022'' bước vào phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.

Số doanh nghiệp ngừng kinh doanh còn lớn

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng năm 2022 đạt gần 150.000, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ; khách quốc tế 8 tháng đạt hơn 1,4 triệu lượt, gấp 12,7 lần cùng kỳ năm 2021.

Thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”
Thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”

Những con số kể trên phần nào đó biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào các chính sách ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế tại nước ta. Tuy nhiên, các con số cho thấy doanh nghiệp còn khó khăn. 8 tháng đầu năm 2022, cùng với các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi, hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng khá cao, hơn 50.000, với mức tăng là 38% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này có thể một phần do hệ quả của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp không còn duy trì khả năng cạnh tranh hoặc cũng có thể do chính sự yếu kém trong nội tại quản trị của doanh nghiệp.  “Vì thế, bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh - sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc và thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế” - bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn & Kiểm toán Deloitte Việt Nam bày tỏ.

Theo bà Thanh, năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp là khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh, bằng cách chứng minh sản phẩm, dịch vụ có tính đổi mới, đa dạng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, cùng với giá cả cạnh tranh ngay cả thị trường trong nước và quốc tế.

Từ trước tới nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đang được phân tích dựa trên hai chỉ số chính, là năng suất và sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp, mà ở đó phải thỏa mãn tốt nhất cho khách hàng trên thị trường nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có lợi nhuận.

Bên cạnh đó có tính đến các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, đó là yếu tố đầu vào của sản xuất như lao động, đất đai, máy móc cũng như trình độ quản lý, tiếp thị, nguồn tài chính, công nghệ và khả năng sáng tạo.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững, bà Thanh cho rằng, Chính phủ cần có một cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế, và đất đai cho địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Gợi ý giải pháp cụ thể với doanh nghiệp một số ngành, lĩnh vực trọng tâm, bà Thanh cho rằng, các hành động thiết thực mà doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm từ nông nghiệp nên ưu tiên thực hiện để làm chủ cuộc chơi ngay từ trên sân nhà. Đối với ngành du lịch và dịch vụ du lịch nắm bắt lại cụ thể hơn về hành vi nhóm khách hàng trọng tâm của mình, và sự cạnh tranh khi hết giãn cách xã hội để định hướng lại sản phẩm, dịch vụ bao gồm cả vấn đề tối ưu giá, kênh tiếp thị... 

Cũng theo bà Thanh, năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, cũng như nhận được sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này cũng thể hiện cho sự quan tâm và cùng đồng hành, chia sẻ giá trị và trách nhiệm của các cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp.

Điều chỉnh rà soát tiêu chí gói hỗ trợ lãi suất, tăng chính sách gia hạn thuế

Chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế đã giúp kích thích nền kinh tế, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, không phải tất cả chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề

Báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 2/9/2022, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55.500 tỷ đồng, đạt 16% trong tổng gói hỗ trợ là 350.000 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân lớn nhất trong nhóm chính sách hỗ trợ thuế, chiếm 63% cơ cấu giải ngân. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt chưa đến 1% cơ cấu giải ngân…

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), có 5 khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ này. Theo đó, doanh nghiệp chưa tiếp cận được thông tin, điều kiện doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp lớn dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ qua văn bản chính thức, còn doanh nghiệp nhỏ lại tiếp cận thông tin qua kênh phi chính thức.

Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính; thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3 - 6 tháng. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, trong đó có doanh nghiệp du lịch.

Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời. Đơn cử, đối với chính sách gia hạn tiền thuê đất, dự kiến tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn trên 3.000 tỷ đồng. Song, 8 tháng đã qua vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng, để việc triển khai thực hiện Chương trình sẽ đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng GDP của năm 2022 như mục tiêu đặt ra cần tổng hợp, đánh giá kỹ các gói hỗ trợ.

Theo vị chuyên gia này, để thúc đẩy các gói hỗ trợ, cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu, ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như logistics, công nghiệp hỗ trợ…

“Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể” - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đề xuất.

Về một số chính sách hỗ trợ cụ thể, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê kiến nghị cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần bóc tách vấn đề này.

Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có tài sản bảo đảm; các hợp tác xã chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang là rào cản để được tiếp cận gói hỗ trợ.

''Trên thực tế, dù các ngân hàng thương mại đã được nới room tín dụng song chưa đáp ứng kỳ vọng. Chúng tôi hiểu rằng điều này vì mục tiêu lạm phát 4%, song NHNN cần xem xét điều chỉnh room tín dụng'' - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đề nghị.