Ít nhất đã có các doanh nghiệp ôtô và đầu mối kinh doanh xăng dầu xuất nhập khẩu gửi thư kiến nghị khẩn cấp tới các cơ quan chức năng và Văn phòng Quốc hội, Chính phủ về khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện Luật số 1/2012/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Ôtô kêu trước, xăng dầu vội vã kêu theo
Không có hoạt động xuất khẩu xe được lắp ráp từ các linh phụ kiện nhập khẩu, ôtô sản xuất ra chỉ thuần túy nhắm tới thị trường Việt Nam nên các doanh nghiệp ôtô là người “kêu” sớm nhất về vấn đề này.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) trong kiến nghị gửi tới Văn phòng Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ hồi đầu tháng 6 đã cho hay, do việc nhập khẩu các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô của các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, hàng tuần, thậm chí hàng ngày, với số lượng lớn, nên để đảm bảo tuân thủ đúng quy định mới, doanh nghiệp sẽ phải làm thêm hàng loạt công việc và thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký tờ khai, kê khai thuế theo từng lô hàng. Hơn nữa, nếu lựa chọn phương án bảo lãnh ngân hàng và nộp tiền thuế chậm họ sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh.
“Đó không chỉ là khoản lãi chậm trả, mà còn là phí bảo lãnh ngân hàng với mức bình quân 2 – 3%/năm. Ngoài ra, mức tiền phạt chậm nộp là 0,05%/ngày, tương đương với 18%/năm – một con số quá cao so với lãi suất ngân hàng hiện nay”, văn bản của VAMA viết. Cũng chỉ nhập khẩu về phục vụ chủ yếu thị trường trong nước còn là mặt hàng xăng dầu. Theo ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, hàng năm công ty này nhập khẩu 6 triệu m3, tấn xăng dầu với kim ngạch khoảng 5-6 tỷ USD và được nợ hoặc chậm nộp thuế nhập khẩu 30 ngày. Nếu nay họ phải nộp thuế theo qui định mới ngay khi mở tờ khai thì sẽ phải ứng vốn, mà thực chất là vay ngân hàng để nộp thuế với lãi suất cao. Dĩ nhiên các chi phí này sẽ lại được tính vào giá xăng dầu.
Theo ước tính của Petrolimex, nếu phải nộp thuế ngay khi làm thủ tục thông quan cho khối lượng hàng có giá trị khoảng 22.000 tỷ đồng/năm, tức bình quân 1.800 tỷ đồng/tháng, với lãi suất vay vốn trên thị trường và phí bảo lãnh là 13% thì chi phí phát sinh thêm sẽ vào khoảng 234 tỷ đồng. Nghĩa là sẽ làm tăng giá vốn hàng bán khoảng 40 đồng/lít xăng dầu. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi chưa được tăng chi phí kinh doanh định mức theo quy định của Bộ Tài chính tại Văn bản 135/TB-BTC ngày 28/3/2013 do chưa được kết cấu khoản phí tăng thêm phát sinh từ việc thi hành quy định thuế mới.
Cũng nhìn trước được khó khăn khi quy định nộp thuế trước được thực hiện, đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam PV Oil cho hay, nếu áp dụng Luật thuế mới thì khi đến thời hạn nộp thuế xuất khẩu các lô dầu, PV Oil phải ứng trước một khoản ngoại tệ rất lớn để nộp thuế thay cho các chủ dầu trước khi nhận được thanh toán tiền dầu của người mua (1 lô dầu có trị giá khoảng 2-6 triệu USD), hoặc phải thực hiện thấu chi với ngân hàng. Điều này là không khả thi, bởi các hợp đồng bán dầu và cũng là thông lệ bán dầu của Việt Nam trong khoảng 30 năm qua, quy định bên bán chỉ nhận được tiền bán dầu từ người mua 30 ngày sau ngày vận đơn (hoàn tất bốc dầu).
Thép than chuyện ân hạn thuế
Cũng là doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài với số lượng lớn, ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho hay, Luật thuế mới gây bất lợi về ân hạn thuế cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thép phải nhập khẩu khối lượng hàng lớn, trước đây họ được ân hạn 30 ngày về nộp thuế để sản xuất và bán hàng ra, nhưng giờ mở tờ khai hải quan thì phải nộp thuế ngay, trong khi thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng đã nộp ở đầu vào lại lâu, đúng 12 tháng. Theo tính toán của ông Chu, một lô hàng nhập khẩu khối lượng khoảng 5.000 – 10.000 tấn thì nộp thuế các loại ở khâu đầu vào khoảng 5-7 tỷ đồng. Với quy định mới, thời gian hoàn thuế lên tới 12 tháng, nghĩa là doanh nghiệp nộp thay người tiêu dùng thuế giá trị gia tăng nhưng nhà nước giữ lại và lâu hoàn nên doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn.
Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị cho phép các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt được ưu tiên không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông quan trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng.
Kêu khó vì đâu? Điều 42, Luật số 21/2012/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, hàng hóa không phải là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu hay theo hình thức tạm nhập, tái xuất phải phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, nhưng phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. |