Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp dệt may đối diện với thách thức

Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 28,5 tỷ USD, đạt khoảng 92% so với kế hoạch đề ra.

Không chỉ vậy, năm 2017, ngành còn được dự báo đối mặt với nhiều áp lực hơn nữa.

Hết thời “ký một đơn hàng, làm cả năm”

Là một ngành xuất khẩu luôn đứng trong top đầu trong nhiều năm nhưng những năm gần đây, xu hướng giảm kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may ngày càng rõ nét. Nếu như năm 2014 tăng trưởng của ngành đạt 20,9%, năm 2015 tụt xuống còn 10,9% và năm 2016 chỉ còn khoảng 5% tương ứng 28,5 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra là 31 tỷ USD.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Nam Sơn (Sơn Tây). Ảnh: Thanh Hải

Từ mức tăng trưởng xuất khẩu hai con số trong nhiều năm nay giảm xuống chỉ còn 5,2% cho thấy ngành hàng dệt may đang gặp những khó khăn không nhỏ. Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, cho biết, năm 2016, tổng cầu nhập khẩu hàng dệt may tại các thị trường lớn đều giảm. Cụ thể, Mỹ giảm 4,74%, EU giảm 1,5%, Hàn Quốc giảm 0,2%. Chỉ có thị trường Nhật Bản tăng nhẹ lên 3,6%. Ngoài ra, tình hình kinh tế, tiêu dùng cho hàng dệt may trên thế giới không mấy cải thiện nên dẫn đến tình trạng khó khăn của ngành dệt may.

Bên cạnh đó, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... Các nước này đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ của họ, đặc biệt là về tỷ giá so với đồng USD để phát triển ngành dệt may và thu hút đơn hàng. Hơn nữa, giá gia công ngành may trong 3 năm gần đây của các nước này lại không tăng.

Một nguyên nhân khác cần phải kể đến đó là thị trường xuất khẩu chính hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2016 vẫn là Trung Quốc với hơn 50% tổng lượng xuất khẩu. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến doanh nghiệp xuất khẩu sợi có thể gặp rủi ro khi quá phụ thuộc vào thị trường này.

Gặp khó nếu không tăng sức cạnh tranh

Cùng với những khó khăn khách quan về cung cầu, thị trường, thách thức ngành dệt may trong năm 2017 được nhận định còn là do chính nội tại sức cạnh tranh của ngành. Trước hết là những thách thức về nguồn nhân lực. Không chỉ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, như quản trị may, thiết kế thời trang, kỹ sư chuyên ngành sợi, dệt nhuộm… ngành cũng đối diện với thực tế năng suất lao động còn thấp. Đứng trước thực tế cuộc chạy đua cải tiến máy móc, công nghệ trong các ngành công nghiệp khiến nguy cơ mất việc làm cao đối với một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giầy. Một báo cáo mới đây của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, máy móc công nghệ có thể thay thế 85% lao động dệt may của Việt Nam trong vài thập kỷ tới. Bên cạnh đó là các chi phí ngành dệt may ngày càng cao liên quan đến vận tải lưu kho hàng lẻ, chi phí dịch vụ vận chuyển, cân trọng lượng container trước khi xuất khẩu của các hãng tàu nước ngoài bị đẩy lên cao bất hợp lý…

Để ngành dệt may Việt Nam phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh, một yêu cầu tất yếu trong thời gian tới bên cạnh việc khắc phục những hạn chế nội tại là việc tạo sân chơi bình đẳng giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các DN trong nước; quản lý tốt hơn các dự án đầu tư vào dệt may; Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành phù hợp với tốc độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam; Ban hành các chính sách thu hút công nghệ tiên tiến… Để hóa giải những thách thức từ việc tạm dừng TPP, DN dệt may buộc phải chủ động được nguồn nguyên liệu, như trồng sợi thế nào để phục vụ ngành may mặc tốt hơn. Bên cạnh đó, trước sức ép hạ giá bán, chuyển hướng từ làm gia công sang làm hàng FOB và ODM, tức là đầu tư cả khâu thiết kế, may mẫu, đóng gói, vận chuyển... sẽ là xu hướng tất yếu nhằm hạn chế tối đa bán hàng qua các khâu trung gian của các DN dệt may trong nước.

Không chỉ quan tâm đến xuất khẩu, dự báo trong thời gian tới, sẽ không ít DN dệt may tìm lại thị trường nội địa bằng việc đầu tư lớn về mẫu mã, thiết kế, đặc biệt là hệ thống phân phối: đưa hàng vào siêu thị, nông thôn, bán hàng online... Theo ước tính, thị trường nội địa có giá trị khoảng 4 - 5 tỷ USD. Khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, Việt Nam được bán hàng vào các thị trường khó tính với thuế suất ưu đãi nhưng đổi lại, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam cũng như vậy. Do đó, nếu DN không muốn để thị trường nội địa rơi vào tay các đối thủ nước ngoài thì ngay lúc này cần đầu tư vào thị trường nội địa.