Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp dệt may gặp khó vì Covid-19

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số nhập khẩu EU và Mỹ tạm ngừng nhận đơn hàng từ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Vừa hỗ trợ may khẩu trang đối phó với dịch, Dệt kim Đông Xuân lại gặp khó trong xuất khẩu. 
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm thẳng thắn nhận định, một số nhà nhập khẩu của EU và Mỹ đưa ra lệnh tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm do dịch Covid-19 đương nhiên tác động mạnh tới xuất khẩu dệt may. Hiện chưa nói là ngừng bao nhiêu, nhưng đã có đối tác cắt đơn hàng với DN Việt.
Nếu tình trạng chính xác, các DN sẽ gặp nhiều khó khăn do vừa rồi nguyên liệu đã thiếu khi dịch Covid-19 bùng phát vì chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, khoảng 60 - 70%. Nguồn nguyên liệu vừa được cải thiện thì lại gặp vấn đề này, sẽ càng khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN dệt may.
Đa số các DN trong lĩnh vực đều "than" vì nhiều đơn hàng bị cắt và mong muốn có chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn, vực lại sản xuất, kinh doanh. Song các DN vẫn đang phải chịu mọi chi phí, trong đó có việc trả lương để đảm bảo cuộc sống của người lao động, cũng như thu hút gắn bó với DN.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt kiến nghị, Nhà nước ngoài chính sách giảm lãi, giảm thuế, giãn nợ, thì có lẽ nên hỗ trợ tiền lương cho người lao động ở các DN sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giầy giống như việc Chính phủ Mỹ, Đức... sẽ hỗ trợ và phát tiền trợ cấp cho người dân và người lao động bị thất nghiệp.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh cũng mong Nhà nước hỗ trợ giảm lãi xuất các khoản vay ngắn trung hạn, gia hạn đáo hạn các khoản vay. Tạm dừng đóng BHXH, tạm dừng các đoàn thanh kiểm tra, giảm giá điện, giảm các chi phí bến bãi, kho vận tại cảng Hải Phòng.
Trước 1.000 công nhân của Trường Phúc không làm kịp hết công suất, giờ DN cũng phải làm cầm chừng và đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh: Khắc Kiên
Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trường Phúc Hưng Yên (thôn Phú Cốc, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, Hưng Yên) Nguyễn Đình Lập cũng đồng quan điểm, nếu một số nhà nhập khẩu Mỹ và EU tiếp tục không nhập khẩu nữa, khó khăn sẽ chồng chất và DN sẽ phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Do đó, mong muốn Chính phủ hỗ trợ không thu lãi vay của ngân hàng và tạm dừng tất cả các loại thuế phí trong năm 2020.
Ông Trương Văn Cẩm kiến nghị, trước hết, Nhà nước, Chính phủ, bộ ngành, đặc biệt là Bộ LĐTB&XH xem xét lại quy định trả mức lương thối thiểu vùng hiện đang rất cao (vùng 1 là 4,42 triệu đồng/tháng). Bộ LĐTB&XH vừa rồi đề xuất có thể ngừng đóng BHXH, có thể sử dụng quỹ bảo hiểm DN đã đóng, BHXH đang quản lý dùng một phần để trả lương cho người lao động để giảm khó khăn cho DN.
Phía DN phải tìm mọi cách để có công việc cho người lao động không phải ngừng việc, nếu cần có hỗ trợ nhất định, ví dụ có gói hỗ trợ như Chỉ thị 11 trích ra một phần để hỗ trợ DN trả lương ngừng việc. Thứ nữa, Bản thân lao động cũng chia sẻ chấp nhận mức lương nghỉ việc thấp hơn quy định nếu DN đứng trước bờ vực phá sản...