Hội thảo thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam; các chuyên gia trong nước và nước ngoài; đại diện các viện, trường; đại diện các hiệp hội gỗ trên cả nước; nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Chế biến gỗ xuất khẩu |
Tại hội thảo, đại diện ban tổ chức cho biết, Pháp luật EU quy định các công ty tại EU phải chứng minh được các sản phẩm gỗ họ nhập vào thị trường EU đảm bảo tuân thủ pháp luật tại quốc gia khai thác. Các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam có thể chứng minh được gỗ họ sử dụng là hợp pháp, tuân thủ các quy định pháp luật tại nơi xuất xứ, sẽ rất dễ dàng để có thể xuất hàng sang Châu Âu.
Cùng đó, Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện FLEGT/VPA với EU, điều đó có nghĩa rằng các DN Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam trước khi có thể xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang EU.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lung, đại diện SFMI, 3 năm qua, chúng tôi đã xây dựng được một bộ công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về gỗ hợp pháp và có thể làm việc với người mua bên Châu Âu.
Bộ công cụ hiện có 18 công cụ, gồm các tờ thông tin, hướng dẫn, bảng kiểm, và các biểu mẫu có thể dễ dàng áp dụng ngay. Những công cụ này được cung cấp miễn phí cho tất cả các công ty có nhu cầu tại Việt Nam. Tổ chức tập huấn các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam về các kiến thức về kế hoạch hành động thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại Lâm sản (FLEGT) cũng như cách thức sử dụng bộ công cụ. Nghiên cứu và soạn thảo các hồ sơ rủi ro pháp lý Lâm nghiệp cho Việt Nam và 5 quốc gia khác mà Việt Nam có nhập gỗ. Các hồ sơ rủi ro sẽ giúp các công ty gỗ tại Việt Nam đánh giá rủi ro pháp lý khi nhập gỗ từ các quốc gia đó, từ đó giúp họ có thể bán sản phẩm sang thị trường EU.