Ba bước cơ bản để hút khách hàng
Theo báo cáo, những xu hướng mới của người tiêu dùng Việt, do Cốc Cốc phát hành, có 77% người từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trên livestream. 67% người được hỏi thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981 – 1996) và 51% thuộc thế hệ gen Z (1997 – 2012) cho biết, đã từng xem và mua hàng qua livestream. Điều này cho thấy nếu biết tận dụng tiềm năng từ livestream, lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam sẽ được thúc đẩy để phát triển mạnh mẽ trong tương lai
Tại Việt Nam, các nền tảng thúc đẩy thương mại điện tử như facebook, instagram, tiktok, shopee live và lazada live những kênh phổ biến để thực hiện các buổi livestream bán hàng. Mỗi nền tảng đều có những ưu điểm và cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Hiện nay, TP chỉ đạo Sở Công Thương Hà nội phối hợp với các sở, ngành chức năng hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Chợ nhà mình, Portmart…); tổ chức các hội nghị đối thoại, giao ban tháo gỡ khó khăn cho DN các thủ tục về vốn, thị trường, thuế, hải quan... các thủ tục hành chính liên quan tới: quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế…
Nhà báo Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ chia sẻ: “Ba bước cơ bản để thu hút nhiều người xem livestream và chốt đơn là truyền tải thông tin nhanh, gọn, kết hợp yếu tố giải trí, hướng đến lợi ích người dùng”.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho biết: “Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đã phối hợp với DN trong tháng 7 tới sẽ khánh thành trung tâm livestream hiện đại trị giá gần 10 tỷ đồng để bán hàng hộ DN. DN có thể đưa sản phẩm, giá cả tới và trung tâm sẽ bán hàng hộ”.
DN cần có sự khác biệt để hút khách
Sự bùng nổ trong việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hình thức mua sắm trực tuyến đã phần nào thay thế hình thức mua sắm trực tiếp và đem lại nguồn doanh thu đáng kể trong thời gian ngắn cho DN và tiểu thương.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội chia sẻ: “Muốn thành công trong kinh doanh online hay bán hàng qua livestream, các DN cần có sự khác biệt để thu hút khách. Người kinh doanh phải có kế hoạch dài hơi, từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt từ đó tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành”.
Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh, làng gốm Bát Tràng, Hà Nội chia sẻ: “Nền tảng số đang chiếm ưu thế cho kinh doanh của người Việt nhất là các sản phẩm làng nghề hiện nay. Vì sản phẩm làng nghề rất phong phú, đa dạng mỗi sản phẩm gắn với một câu chuyện nên việc bán hàng bằng hình thức livestream chạm đến trái tim người mua”.
Mặc dù livestream bán hàng mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng không thiếu những thách thức mà các DN phải đối mặt. Một trong những thách thức lớn nhất là việc duy trì sự tương tác và thu hút người xem trong suốt buổi livestream. Để giữ chân khán giả, người bán cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt, nội dung phong phú và sự sáng tạo trong cách trình bày sản phẩm.
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ: “Sức nóng” của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử. Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng, đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên độ lợi nhuận cao hơn. Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ và độc lạ hơn để thử nghiệm. Điều này mở ra cơ hội cho DN thích ứng và đổi mới, thu hút sự chú ý của khách hàng.
Thương mại điện tử cùng với livestream bán hàng được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng.