Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Doanh nghiệp “hưởng lợi” từ Nghị quyết 09] Bài 2: Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống

Hà Bình - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh nghiệm từ các địa phương làm tốt cho thấy, bài học được đúc kết chính là sự sâu sát của các cấp ủy Đảng đã giúp Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Bởi muốn thành lập được tổ chức Đảng, các cấp ủy phải nắm chắc được tình hình DN trên địa bàn, phải thực sự coi trọng và quan tâm hỗ trợ DN trong hoạt động.
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Tổ chức hội nghị gặp gỡ DN để tháo gỡ khó khăn, tuyên truyền về phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể; rà soát, khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của DN để đề xuất những giải pháp hiệu quả với từng loại hình, quy mô, đặc điểm của các DN; chủ động thành lập các tổ chức đoàn thể trong DN làm cơ sở bồi dưỡng, phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng phát triển Đảng..., đó là những cách các cấp ủy tại Hà Nội đang triển khai. Tuy nhiên, câu hỏi làm gì để các DN mặn mà hơn với công tác Đảng và đoàn thể vẫn là một bài toán không dễ giải nếu cấp ủy không “xắn tay” thực sự vào cuộc.
 Sản xuất thép mạ tại Công ty Hoàng Vũ, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Chiến Công
Huyện Thanh Trì là một trong những điểm sáng của TP trong thực hiện Nghị quyết 09. Trên địa bàn huyện hiện có 2.360 DN ngoài khu vực Nhà nước đăng ký kinh doanh, trên 70 DN có tổ chức Đảng, với trên 850 đảng viên (trong đó trên 40 tổ chức Đảng được thành lập mới sau khi có Nghị quyết 09). Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập mới 5 chi bộ, đạt 83% kế hoạch năm.
Thực tế cho thấy, khi mới triển khai Nghị quyết 09, có chủ DN không đồng ý cho thành lập tổ chức Đảng; có DN đồng ý thành lập nhưng không ủng hộ tổ chức Đảng hoạt động. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là chủ DN chưa mặn mà, còn có tình trạng cấp ủy, chi bộ trong DN chưa hiểu rõ mình lãnh đạo những việc gì, lãnh đạo thế nào…
Huyện đã định kỳ tổ chức tọa đàm, gặp mặt DN để nắm bắt tâm tư, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nếu có để DN hoạt động thuận lợi hơn; khảo sát, phân loại DN theo đặc điểm, quy mô để xây dựng kế hoạch về việc thành lập tổ chức Đảng theo nguyên tắc “dễ trước, khó sau”. Kịp thời biểu dương những DN ủng hộ, quan tâm đến công tác phát triển Đảng… Chính sự chia sẻ, đồng hành cùng DN đã mang lại hiệu quả…
Tại quận Nam Từ Liêm, một trong những lá cờ đầu của TP Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết 09, nếu chỉ nhìn qua con số hơn 8.800 DN hoạt động trong khu vực này của quận, không thể thấy hết được những nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành nơi đây.
Bởi hầu hết các DN trên địa bàn đều có quy mô vừa và nhỏ, phạm vi hoạt động phân tán. Bên cạnh đó, không ít chủ DN còn nhận thức chưa đầy đủ về mục đích của việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể khi cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ sản xuất, kinh doanh.
Trước những khó khăn này, quận đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, giao chỉ tiêu thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể cho các Đảng ủy, coi đây là một chỉ tiêu bắt buộc để xem xét, đánh giá phân loại tổ chức Đảng cuối năm.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Minh cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, Phòng Kinh tế quận cùng Chi cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Chi cục Thống kê quận vừa rà soát, vừa thường xuyên tổ chức các hội nghị để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, đất đai và kết nối với một số ngân hàng, tạo điều kiện tốt nhất cho DN.
Thậm chí, nhiều cấp ủy còn chủ động cử đảng viên đang công tác tại các ban Đảng, Đảng ủy Khối xuống sinh hoạt tại DN để giúp thành lập chi bộ ở những nơi chưa có đủ số lượng đảng viên theo quy định.
Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, Nghị quyết đã thực sự đi vào đời sống. Từ năm 2014 (năm thành lập quận) đến nay, Nam Từ Liêm đã thành lập mới 44 tổ chức Đảng và kết nạp 295 đảng viên, nâng tổng số tổ chức Đảng khu vực này lên 74 với 729 đảng viên. Trong đó, riêng 6 tháng năm 2019, quận đã thành lập được 7/5 tổ chức Đảng (đạt 140% kế hoạch năm).
Phó trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Đỗ Thiện Đức nhận định, 3 năm gần đây, quận đều hoàn thành từ 180 - 200% kế hoạch TP giao và quan trọng là các DN sau khi có tổ chức Đảng đều hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp quan trọng cho ngân sách, cũng như sự phát triển chung của quận.
Với quận Hoàng Mai, việc xây dựng trang thông tin chung nhằm kết nối cộng đồng DN trong Đảng bộ Khối DN quận, không chỉ tạo diễn đàn giúp các DN tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, còn là kênh quan trọng để lãnh đạo quận nắm bắt, kịp thời tháo gỡ ngay những vướng mắc phát sinh cho DN.
Bí thư Đảng ủy Khối DN quận Trịnh Văn Khánh cho biết: Hàng năm, Đảng ủy Khối DN của quận cũng chủ động mời Bí thư chi bộ tại các DN, chủ DN nghe thời sự, quán triệt nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… thúc đẩy hiệu quả phát triển Đảng trong khối này. Từ năm 2012 đến nay, quận đã thành lập mới được 26 tổ chức cơ sở Đảng, nâng tổng số cơ sở Đảng lên con số 72.
Duy trì chất lượng, việc quan trọng
Thành lập được tổ chức Đảng tại DN ngoài Nhà nước đã khó nhưng làm thế nào để phát huy được năng lực, sức chiến đấu của tổ chức ấy cũng vô cùng quan trọng. Bởi ở một số địa bàn, tuy số lượng chi bộ tăng nhưng chất lượng sinh hoạt còn thấp, nội dung nghèo nàn, chưa sát thực tế... nên không thu hút đảng viên tham gia góp ý, thảo luận.
Bên cạnh đó, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên còn hạn chế; chất lượng chưa đồng đều, nhiều đảng viên còn thụ động, ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu, đã ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, việc thành lập được tổ chức Đảng trong các DN đã đòi hỏi giải pháp kiên trì, bền bỉ, việc duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng của các tổ chức Đảng ấy còn là việc khó hơn. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã tăng cường vận động, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho chi ủy, nhất là Bí thư các chi bộ về chức năng, nhiệm vụ tổ chức Đảng trong DN. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp dự, hướng dẫn một số chi bộ thực hiện nội dung sinh hoạt…
“Lãnh đạo quận xác định việc phát triển Đảng không chỉ là thành lập, kết nạp mới cho đủ chỉ tiêu, quan trọng là phải duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động cho các tổ chức cơ sở Đảng” - Phó Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Minh cũng chia sẻ.
Để làm được điều đó, quận không “khoán trắng” cho Đảng ủy Khối DN mà Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy cùng tích cực tuyên truyền, vận động, theo dõi, bồi dưỡng từng chi bộ để đổi mới nội dung, phương thức phù hợp với hoạt động các DN.
Bên cạnh đó, luôn sâu sát cơ sở, chỉ bảo về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ cấp ủy; hướng dẫn các cấp ủy xây dựng quy chế phối hợp với ban lãnh đạo DN; kịp thời nắm bắt những phản ánh, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Mục tiêu quận hướng tới là thông qua công tác Đảng, công tác đoàn thể để giúp DN tháo gỡ khó khăn, hoạt động hiệu quả hơn.
Những cách làm cụ thể như vậy đã giúp công tác phát triển Đảng tại các DN ngoài khu vực Nhà nước của Hà Nội đi vào chiều sâu, không chỉ bảo đảm số lượng mà chất lượng hoạt động cũng được nâng cao. Đặc biệt, thực hiện tốt vai trò hạt nhân tập hợp, tham gia tuyên truyền, vận động hiệu quả để người lao động chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

"Phải cho DN thấy được, có tổ chức Đảng thì thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương có lợi như thế nào. Như việc tạo thuận lợi cho các DN về thuế, an ninh trật tự, kết nối ngân hàng để vay vốn, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận; DN có thể tiếp cận sớm và đầy đủ các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo thuận lợi trong việc tạo nguồn để phát triển đảng viên…" - Phó Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Minh


"Ngoài việc rà soát, phân khu vực, phân nhánh những cơ sở có đông người lao động để nắm bắt tình hình, rà soát các cơ sở đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng, khi các chi bộ mới thành lập, quận đều có tài liệu hướng dẫn cụ thể để phổ biến cho từng đảng viên.

Hàng quý, Đảng ủy Khối DN quận đều họp với tất cả các tổ chức cơ sở Đảng để đánh giá công tác phát triển Đảng; hướng dẫn nội dung sinh hoạt; thông tin tình hình kinh tế - xã hội của quận… thúc đẩy hiệu quả sinh hoạt chi bộ ở các tổ chức Đảng này." - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến