Trước thực trạng một số luật chưa đi vào cuộc sống, nợ dự án luật, các đại biểu (ĐB) đã “mổ xẻ” những hạn chế trong công tác xây dựng luật. Luật chưa sát nhu cầu cuộc sống Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), có một nguyên nhân “không mới” dẫn đến yếu trong xây dựng luật, nhưng năm nào cũng nói đến đó là tiến độ chậm và không chắc chắn khi đưa vào rồi lại xin rút ra. “Phải chăng do không ai chịu trách nhiệm? Hay việc lập chương trình chưa sát? Còn nể nang, thiếu cương quyết trong xây dựng luật. Có tình trạng Bộ “ôm” nhiều luật do được các tổ chức nước ngoài tài trợ không?” - ĐB Thúy đặt câu hỏi. Từ đó yêu cầu, Quốc hội cần đánh giá nghiêm túc hơn, kiên quyết không đưa vào thẩm tra các dự án chậm tiến độ. Chính phủ phải tăng cường trách nhiệm ngay từ khâu xây dựng chương trình, chỉ trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh chương trình.
Từ câu chuyện sai sót trong Bộ Luật hình sự khiến luật chưa đến thời điểm áp dụng đã phải tạm dừng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng: Cần xem xét, rút kinh nghiệm cách thức làm luật để huy động được trí tuệ của các ĐB. Nhiều khi ĐB chỉ có cơ hội tham gia góp ý luật trong kỳ họp. Dù theo quy định phải gửi trước tài liệu cho ĐB 20 ngày, nhưng gần đến ngày thảo luận mới gửi tài liệu. “Vì vậy, cần cải tiến điều hành để làm sao huy động được trí tuệ của gần 500 ĐB Quốc hội thì chất lượng của luật mới được nâng lên” - ĐB Cương nói. Sớm gỡ những nút thắt
Bày tỏ thất vọng khi Chương trình xây dựng pháp luật đã không có nội dung xem xét, thông qua Luật sửa đổi các luật liên quan đến DN và môi trường đầu tư kinh doanh như Chính phủ đề nghị, ĐB Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)) cho rằng: Việc xem xét thông qua một dự luật quan trọng như vậy đang là yêu cầu rất cấp bách hiện nay. Theo ĐB, hiện nhiều quy định của các luật về DN và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng “ông chẳng bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông. ĐB Lộc bày tỏ, “cộng đồng kinh doanh đã có ý kiến vào ít nhất 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật này cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng… Những vấn đề này đang là những nút thắt cần phải tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN. Bước đầu, qua thảo luận, mới xem xét trong phạm vi trong 12 luật đang có những ảnh hưởng lớn nhất đến kinh doanh. Các cơ quan Chính phủ đã thống nhất phải sửa đổi tới 58 điều quy định để bảo đảm sự minh bạch, tính đồng bộ, tính thống nhất, liên thông, hợp lý của hệ thống pháp luật, tránh tình trạng luật chồng lên luật, Bộ “lấn” lên địa phương, Chính phủ “làm thay” DN… và so với ASEAN và quốc tế thì ta chẳng giống ai”.
May hàng xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải |
Ngày 29/7, trước khi bế mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình của năm 2016. |