Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ của TP Hà Nội

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa khi nào DN, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Do đó, ngoài nỗ lực của bản thân, cộng đồng DNNVV rất cần ở cơ chế, chính sách hỗ trợ sát thực để vực dậy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động... góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.
Nâng lượng và chất cho doanh nghiệp
Vừa tích cực với công tác chống dịch Covid-19, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế, hướng đến cộng đồng DN, nhất là DNNVV, siêu nhỏ, minh chứng rõ nhất, mới đây, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về hỗ trợ DNNVV trên địa bàn.
 Các đại biểu, DN thăm gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của Công ty CP 22 tại sự kiện kết nối giao thương do Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Khắc Kiên
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh, Kế hoạch với nhiều nội dung thúc đẩy DNNVV phát triển, tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả, phát triển DN đổi mới sáng tạo, DN công nghệ số; Tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các DNNVV phát triển; Thúc đẩy hình thành liên kết giữa các DNNVV cũng như các DN dẫn dắt trong chuỗi (DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN lớn trong nước); Hỗ trợ DNNVV tham gia thành công cụm liên kết, chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của DNNVV TP.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Kế hoạch được triển khai sẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DNNVV, phấn đấu đạt tỷ lệ DN thành lập mới trong năm tăng thêm từ 10% (khoảng 30.000 DN). Hỗ trợ DNNVV thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh; Nâng tỷ lệ DNNVV tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN. Đồng thời, tạo thêm 150.000 việc làm mới cho người lao động, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô, đóng góp khoảng 45% GRDP và trên 30% ngân sách TP.
Để đạt được các mục tiêu trên, các DNNVV sẽ được hỗ trợ chung về cải cách TTHC, tiếp cận tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực... Đáng chú ý, TP sẽ hỗ trợ kinh phí cho các DNNVV kết nối với DN quốc tế, tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh...
Tín hiệu mừng cho doanh nghiệp Thủ đô
Theo ông Mạc Quốc Anh, việc TP xây dựng Kế hoạch hỗ trợ DNNVV với nội dung rất cụ thể trong giai đoạn dịch Covid-19 đang phức tạp, với kinh phí dự kiến lên đến 402 tỷ đồng là cơ chế rất thiết thực cho DNNVV, siêu nhỏ...
“Có thể nói, nhiệm vụ và những giải pháp hỗ trợ DNNVV của TP Hà Nội là những vấn đề DN đang rất cần trong bối cảnh hiện nay” – ông Mạc Quốc Anh nói. Thực tế, các nội dung hỗ trợ DNNVV như hơi thở của chính các DN, là “luồng gió mới” hỗ trợ và thúc đẩy cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, cũng như để hoàn thành kế hoạch của TP.
Tuy nhiên, để hỗ trợ DN cụ thể hơn, ông Mạc Quốc Anh chỉ ra, đối với DN đầu tư sản xuất, kinh doanh hiện khó khăn nhất là mặt bằng sản xuất. Dù nội dung này đã được nêu trong Đề án nhưng chưa được cụ thể. Đơn cử, hiện TP có bao nhiêu cụm công nghiệp đã được đầu tư; số lượng diện tích bao nhiêu thì cũng chưa cụ thể và DN được hỗ trợ như thế nào để có thể dễ tiếp cận và được hướng dẫn cụ thể giải pháp hỗ trợ...
Tiếp đến, về Quỹ bảo lãnh tín dụng theo Nghị định 34/2018/NĐ–CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hiện nay chưa được thành lập và nhiệm vụ của Quỹ thì giao cho Quỹ Đầu tư Phát triển đảm nhận.
DN kiến nghị việc thành lập quỹ là hết sức cần thiết và là “bà đỡ” cho DNNVV trong tiếp cận tín dụng. Nhưng nguyên tắc của Quỹ là bảo toàn vốn như vậy rất khó hỗ trợ DN do phải có tài sản bảo đảm. Tiếp đến, đối với Hà Nội có Luật Thủ đô, TP cần ban hành chính sách hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng đối với DN đầu tư sản xuất để tạo điều kiện hoạt động.
Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19, DN rất khó khăn nên việc thành lập Quỹ và các cơ chế hỗ trợ DN là hết sức cần thiết để ổn định từng bước trong sản xuất, kinh doanh.
“Có thể các chỉ tiêu kinh tế năm nay khó đạt, và dù còn có một số hạn chế, chưa hoàn thiện với nhiều khó khăn, song việc ban hành kế hoạch này là nguồn động viên và khẳng định TP luôn đồng hành cùng DN” - ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.