Doanh nghiệp là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/12, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã chính thức khai mạc. Diễn đàn do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch TP Hà Nội (HPA) phối hợp Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) tổ chức.

Với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối”, diễn đàn đã thu hút sự tham gia của trên 2.000 đại biểu đến từ 35 tỉnh, thành trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 21 quốc gia tại Việt Nam, 17 tổ chức quốc tế.
Tại diễn đàn, các đại biểu có chung ý kiến, hiện nay cả thế giới đang chứng kiến một cuộc chuyển mình mạnh mẽ với những DN, tổ chức đi tiên phong trên lộ trình chuyển đổi số. Sự chuyển đổi này giúp tạo ra bước đột phá về năng suất, cải thiện năng lực quản trị, trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa mô hình kinh doanh.
Theo Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh, kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu McKensey cho thấy, năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Còn theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030, GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD. “Những năm qua, ngành CNTT Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” - bà Mai Anh nói.

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD, tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 DN đạt doanh thu 11 tỷ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên. Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người.
“DN công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng đến sản phẩm, dịch vụ, làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó vươn ra thị trường toàn cầu” - ông Dũng kêu gọi.