Thiếu ràng buộc, thích là… nghỉ
Tại khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), theo quan sát của phóng viên, trên bảng thông tin tuyển dụng có hàng chục DN thông báo tuyển lao động. Cụ thể, Công ty Linh kiện điện tử Sei thông báo tuyển 1.500 người; Công ty Nissei Electric Hà Nội (500 người), Canon (500 người), Panasonic (200 người), MEIKO Thăng Long (50 người), TNHH TOTO Việt Nam (40 người)… Tương tự, tại KCN Quang Minh (huyện Mê Linh) cũng có rất nhiều DN dán thông báo tuyển công nhân… Tuy nhiên, lượng người đến xem thông tin và có nhu cầu tìm việc thời điểm này rất ít.
Chị Trần Thị Vân (Văn Chấn, Yên Bái) cho biết: “Tôi làm ở một công ty trong KCN Bắc Thăng Long, nhưng thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, thuê nhà thì chẳng còn được bao nhiêu. Về quê nghỉ Tết, nhân tiện đi lễ mấy nơi cho qua hết tháng Giêng mới đi làm. Do lương thấp và không có ràng buộc gì nên khi nghỉ, tôi cũng không báo cho công ty biết. Giờ cần việc, tôi xuống đây, thấy nhiều nơi tuyển dụng nhưng những chỗ lương cao thì tay nghề của mình không đáp ứng được. Chỗ làm được việc thì lương lại thấp quá nên chưa quyết định nộp hồ sơ vào làm việc ở đâu”. Anh Nguyễn Xuân Tân (TP Vinh, Nghệ An) cũng làm việc ở KCN này chia sẻ: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, làm quanh năm mà thu nhập chẳng bao nhiêu nên dịp này tôi về chơi mấy hội ở quê cho thoải mái. Khi quay lại, công ty nhận lại thì nhận, còn không thì xin vào chỗ khác”.
Chính vì tâm lý như vậy nên nhiều công nhân không trở lại công ty làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Điều này cho thấy, không ít người lao động thiếu tính chuyên nghiệp, thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ. Để đối phó với tình trạng này, các DN đã phải có phương án dự trù như treo băng zôn, dán thông báo tuyển dụng lao động tại bảng thông tin trong KCN, thậm chí đăng tải trên mạng xã hội… Đặc biệt, do “khát” công nhân nên yêu cầu tuyển dụng của các DN cũng khá “thoáng”, mức lương cũng cao hơn.
Tìm giải pháp lâu dài
Đại diện Công ty Nissei Electric Hà Nội, DN tuyển dụng 500 công nhân trong dịp này cho biết: Ngoài việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, có đơn hàng mới nên Công ty mới tuyển một số lượng công nhân đông như vậy. Bên cạnh đó, do đã có kinh nghiệm từ những năm trước về việc đầu năm công nhân thường hay nghỉ việc, nên chúng tôi đã tính tới các phương án đối phó. Vì vậy, việc hàng chục công nhân tự ý bỏ việc cũng không ảnh hưởng lắm đến hoạt động của DN.
Còn theo một cán bộ tuyển dụng nhân sự của Công ty Canon: Tuyển 500 công nhân lần này chủ yếu là vì sự phát triển của DN, bù thêm số lao động không quay lại làm việc. Việc công nhân tự động nghỉ việc làm ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty. Bởi chỉ cần một bộ phận thiếu người sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền làm việc.
Việc các DN tuyển dụng số lượng lớn lao động là tín hiệu đáng mừng. Người lao động có thêm nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, về lâu dài, mỗi DN cũng cần có những chiến lược nhằm giữ chân người lao động thông qua những chính sách cụ thể về điều chỉnh chế độ lương, thưởng, phụ cấp hợp lý... tạo môi trường làm việc thân thiện, chú trọng chăm lo đời sống cho công nhân như giao lưu văn nghệ, thể thao… thay vì những giải pháp mang tính thời vụ, đối phó hiện nay. Người lao động bên cạnh việc tự nâng cao kỹ năng, trình độ cũng cần trang bị ý thức, tính chuyên nghiệp trong công việc, đặc biệt là khi một thị trường lao động xuất phát từ thực tế hội nhập đang được hình thành, mà ở đó lao động trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN không còn có sự phân biệt theo lãnh thổ quốc gia.
Ngay từ khi ký hợp đồng lao động, các DN nên quan tâm đến mức thu nhập và đời sống tinh thần cùng các khoản phúc lợi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của công nhân. Điều đó sẽ tạo sự gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động, khắc phục tình trạng công nhân tự ý bỏ việc vì thiếu sự ràng buộc.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ DN, Ban quản lý Khu công nghiệp – chế xuất Hà Nội
|
Người lao động tìm việc trên bảng thông tin tuyển dụng trước cổng Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
|
Sự công bằng về lợi ích và tiền lương chính là cốt lõi tạo nên nơi làm việc tốt trong đánh giá và cam kết của người lao động trong công ty. Tuy nhiên, để ổn định sản xuất và phát triển lâu dài, thứ nhất phải đảm bảo quyền lợi và cân bằng với mức đãi ngộ của DN khác cho người lao động, còn nếu chỉ tính đến một mức lương vừa đủ sống đồng nghĩa với việc DN có nguy cơ mất đi những nhân viên tốt khi các nhà tuyển dụng khác trả mức lương xứng đáng hơn. Thứ hai, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội bồi dưỡng được những kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn. Thứ ba, qua hệ thống công đoàn, mọi kiến nghị, thắc mắc của người lao động trong công việc, lãnh đạo DN nên lắng nghe, giải đáp thỏa đáng... điều đó sẽ tạo được niềm tin để công nhân gắn bó, cống hiến hơn cho DN.
TS Nguyễn Minh Phong
|