Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp lớn cũng "kêu ca", xin hỗ trợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương hôm 4/4, lãnh đạo Petrolimex cho biết hết quý I/2011, doanh nghiệp này đã lỗ tới 2.650 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.

KTĐT - Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương hôm 4/4, lãnh đạo Petrolimex cho biết hết quý I/2011, doanh nghiệp này đã lỗ tới 2.650 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.

Vừa mới tăng giá bán chưa đầy một tuần, hôm qua, ông lớn chiếm trên 60% thị phần xăng dầu lại kêu ca trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Công Thương về khoản lỗ 2.650 tỷ đồng và xin được ưu đãi cơ chế.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương hôm 4/4, lãnh đạo Petrolimex cho biết hết quý I/2011, doanh nghiệp này đã lỗ tới 2.650 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ. Trong đó, chỉ tính riêng đợt điều chỉnh tỷ giá ngày 11/2 của Ngân hàng Nhà nước VN, số lỗ mà Petrolimex phải chịu đã lên tới trên 1.850 tỷ đồng.

Từ số lỗ này, lãnh đạo Petrolimex đề xuất Chính phủ cho phép hãng được khoanh lượng ngoại tệ cần mua theo một tỷ giá cố định để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin liên tục có văn bản đề nghị được vay ưu đãi lãi suất 0% để thực hiện việc trả lương cho cán bộ công nhân viên. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng xin ưu đãi thuế một năm cho các hợp đồng bị hủy đến hết tháng 12/2012. Việc "xin" hỗ trợ này được cho là không thể đừng trong bối cảnh Vinashin trong quá trình tái cơ cấu.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng và thường trực Chính phủ trong ngày 15/2 câu chuyện lãi suất cao, khó tiếp cận vốn, đặc biệt là ngoại tệ... là những khó khăn phổ biến được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đưa ra.

Thế nhưng, giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận lâu nay việc các "ông lớn" lấy lý do thiếu vốn đầu tư, gặp khó về giá nguyên liệu đầu vào rồi xin cơ chế ưu đãi là chuyện không còn mới. Mỗi lần đề xuất tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cũng đưa ra con số lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng để nhấn mạnh việc tăng giá là bất khả kháng. Ngay cả khi giá điện tăng tới 15,28% từ 1/3 vừa qua, ngành điện vẫn khẳng định đợt điều chỉnh này chưa đủ.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng VN (Vinacomin) đề nghị tăng giá than với Chính phủ. Vinacomin cho rằng thời gian qua, họ đã bán than cho EVN dưới giá thành và phải bù lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng. Do vậy, tập đoàn này đề nghị được bán hàng theo giá thị trường. "Nếu chỉ sản xuất ít, lại không được tăng giá thì ngành than sẽ lỗ 5.800 tỷ đồng, 30.000 lao động không có việc làm", lãnh đạo Vinacomin than thở.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc các tập đoàn lớn, tổng công ty liên tục xin ưu đãi xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có việc thái độ của Chính phủ chưa dứt khoát. "Đành rằng 'con khóc, mẹ mới cho bú' song trong bối cảnh khó khăn chung, Chính phủ cần phân loại đối tượng hỗ trợ. Và các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đáng được hưởng ưu đãi trong bối cảnh hiện nay", vị chuyên gia này nói.

Trước đó, Chính phủ đã đồng ý giãn thuế thu nhập doanh nghiệp một năm cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Số tiền để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này giãn thuế lên đến 7.000 tỷ đồng một năm.