Đây là những yếu kém của DNNVV được các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra tại Hội thảo "Nâng cao vị thế DNNVV Việt Nam trên thị trường quốc tế: Cách thức và định hướng phát triển" được tổ chức chiều 6/8 tại Hà Nội.
Gia tăng số doanh nghiệp ngừng hoạt động
Theo thống kê, hiện vẫn còn hơn 80% DN Việt Nam là DNNVV, trong đó hầu hết là DN siêu nhỏ. Mục tiêu phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 là thành lập mới 350.000 DN và phấn đấu đến 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 700.000 DN. Tuy nhiên, số DN khó khăn, giải thể, rơi vào tình trạng ngừng hoạt động vẫn gia tăng. Số liệu thực tế cho thấy, 20% số DNNVV đang hoạt động có thể trụ được trong cạnh tranh, 60% đang phải cố gắng để tồn tại, 20% đã bị giải thể, ngừng hoạt động.
Sản xuất đồ nhựa gia dụng tại Công ty TNHH Song Long. Ảnh: Việt Hùng
|
Lý giải về sự sa sút của các DNNVV Việt Nam thời gian qua, PGS.TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, với xuất phát điểm thấp, thiếu và yếu cả về vốn và khoa học công nghệ, tư duy, kinh nghiệm nên khi hội nhập kinh tế, nhiều DNNVV chưa kịp thích nghi. Khủng hoảng kinh tế trong mấy năm gần đây đã tác động mạnh tới khu vực DN này. Các DNNVV Việt Nam thường thiếu hiểu biết về thị trường, thiếu thông tin chính xác, không đủ nguồn lực để ứng phó với các rủi ro, các rào cản kỹ thuật, thương mại. Ông Thắng cũng lo ngại áp lực với các DNNVV ngày một gia tăng do cạnh tranh về công nghệ cao, về kinh nghiệm, trong khi lợi thế về nguồn lực của Việt Nam giảm, giá nhân công ngày càng cao; áp lực của việc Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm phát triển dựa vào tài nguyên…
Còn theo TS Phạm Thế Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu DN vừa và nhỏ, các DNNVV Việt Nam gặp phải một số vấn đề cố hữu như khó tiếp cận được với các chính sách, chương trình ưu đãi của Chính phủ; hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, hàng tồn kho lớn; thị trường tiêu thụ hẹp…
Đón cơ hội từ các hiệp định thương mại
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, hội nhập cũng đang làm cho biên giới quốc gia mờ đi, mở ra một thị trường thống nhất rộng lớn trong toàn khu vực và trên phạm vi toàn cầu. PGS.TS Phạm Tất Thắng tin tưởng, việc ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ mở ra một thị trường thống nhất cho 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. "Điều này đòi hỏi tầm nhìn của DN không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mình mà cần phải mở rộng hơn. Các DN cần nắm bắt cơ hội này" - ông Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, cơ hội cho các DNNVV là môi trường kinh doanh mở rộng do hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu ngày càng mạnh của Việt Nam với các hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Hiện, Chính phủ đang triển khai những chương trình hành động toàn diện và thận trọng nhằm giúp DN tháo gỡ khó khăn, như: Tập trung giải quyết vấn đề tồn kho, nợ xấu, bất động sản; xây dựng mục tiêu dài hạn; tiếp tục đổi mới thể chế và tập trung hướng tới nguồn nhân lực chất lượng sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho DN, trong đó, DNNVV…
Ông Sunil Dsharma - Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV quốc tế (ISSME) đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DNNVV của Chính phủ Việt Nam. Về phía các DN, đại diện ISSME cũng khuyên DNNVV cần nâng cao hiểu biết về chính sách thương mại của các thị trường, tận dụng công cụ truyền thông xã hội để tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác mới.
Liên quan đến vấn đề tài chính cho DNNVV, hiện nay, ở các nước như Việt Nam, việc cung cấp tín dụng cho DNNVV qua các tổ chức tài chính còn gặp nhiều khó khăn, chịu rào cản lãi suất cao. Do đó, một số chuyên gia đã đề xuất giải pháp hướng tới thị trường trái phiếu mở bảo đảm tài chính cho những DN này.