Tuy nhiên, bên cạnh sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái vi phạm SHTT đòi hỏi chính bản thân các DN phải “vào cuộc”.
Khó phân biệt thật – giả
Tại lễ ký kết Chương trình hợp tác tăng cường thực thi quyền SHTT giữa Chi cục QLTT TP Hà Nội và Công ty Louis Vuitton Malletier (LV) vừa diễn ra, đại diện Chi cục cho biết, riêng trong năm 2014, QLTT Hà Nội đã phát hiện và thu giữ trên 10.000 loại nhãn mác sản phẩm giả. Riêng với sản phẩm nhãn hiệu LV, trong 5 năm gần đây, lực lượng QLTT Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện xử lý đối với 697 vụ hàng hóa giả mạo với tổng số tiền phạt hành chính gần 5 tỷ đồng. Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng xảy ra tình trạng xâm phạm SHTT mà theo ông Trần Văn Minh - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL: Trong năm 2014, lĩnh vực thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính, Thanh tra Bộ đã phát hiện 82 DN vi phạm các quy định pháp luật về quyền tác giả, tổng số tiền xử phạt lên tới gần 1,6 tỷ đồng.
Thực tế công tác chống hàng giả, vi phạm SHTT thời gian qua cho thấy: Hàng giả, vi phạm SHTT ngày càng được làm tinh vi. Thậm chí do người kinh doanh Việt Nam đặt hàng từ nước ngoài sản xuất rồi đưa về nội địa tiêu thụ. Vi phạm nhiều nhất là các mặt hàng dệt may, da giày, túi xách, mỹ phẩm, điện thoại di động, phụ tùng ô tô, đồ chơi trẻ em... Những mặt hàng này được làm giả tinh vi đến mức chính bản thân lực lượng chức năng khó xác định được đó là hàng thật hay hàng vi phạm SHTT. “Để xác định rõ cơ sở sản xuất, buôn bán mặt hàng đó có vi phạm hay không, lực lượng chức năng phải mời chuyên gia, đại diện của hãng phối hợp để nhận dạng” - ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết.
Chế tài nhẹ
Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Đội trưởng Đội QLTT 2 (Chi cục QLTT Hà Nội): Trong quá trình chống hàng giả, vi phạm SHTT, lực lượng QLTT gặp khó khăn trong việc xác định hàng thật – hàng giả do nhiều chủ sở hữu thiếu quyết liệt ngăn chặn. Nguyên nhân là do tâm lý DN lo ngại sau khi công bố thông tin về hàng giả sẽ khiến NTD chuyển sang sản phẩm của DN khác nên chấp nhận “sống chung” với hàng giả. Đồng tình với ý kiến này, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 14 than phiền: Đã có trường hợp QLTT phát hiện hàng mang nhãn hiệu LV có dấu hiệu bị làm giả, đã gửi tới chủ sở hữu yêu cầu phối hợp giám định nhưng ít nhận được sự hợp tác. Thậm chí, đại diện LV còn xác định đó là hàng thật nhưng khi kiểm định tại Cục Quản lý chất lượng hàng hóa lại là hàng giả.
Thực tế cho thấy, lực lượng chức năng chưa ngăn chặn được tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm SHTT còn bởi chế tài xử phạt đối với các hành vi này hiện còn quá nhẹ, chủ yếu tập trung vào xử phạt hành chính. “Quy định hiện hành, mức phạt cao nhất đối với DN là 500 triệu đồng, cá nhân là 250 triệu đồng. Đối với một số trường hợp vi phạm thì mức xử phạt này là quá nhẹ nên nộp phạt xong lại vi phạm tiếp, vì vậy không thể xử lý triệt để” - ông Chu Xuân Kiên - Chi Cục trưởng Chi cục QLTT nêu rõ.
Nhằm ngăn chặn hàng giả, vi phạm SHTT, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh biện pháp hành chính, Nhà nước nên có các biện pháp như xử lý hình sự, có thể phạt tù tới chung thân, bồi thường thiệt hại… Ông Phạm Phi Anh - Phó Cục trưởng Cục SHTT cũng kiến nghị, phải thiết lập được tòa án về SHTT và sở hữu công nghiệp, qua đó tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ áp dụng hình thức xử lý phù hợp là dân sự, hình sự và hành chính.
Nhằm ngăn chặn hàng giả, vi phạm SHTT trong thời gian tới, QLTT Hà Nội tập trung đấu tranh tại các điểm nóng như chợ Ninh Hiệp, các làng nghề... Một trong những giải pháp hiệu quả đang được TP Hà Nội áp dụng là tổ chức cho các tiểu thương trên địa bàn ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, đồng thời thí điểm tuyến phố "nói không" với hàng giả. Đại diện của nhiều DN cũng cam kết sẽ vào cuộc quyết liệt cùng các lực lượng chống hàng giả của Việt Nam để bảo vệ thương hiệu cũng như NTD Việt Nam.
Quản lý thị trường Hà Nội giới thiệu hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Hoài Nam
|