Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp phấn khởi trước thông tin gỡ bỏ giờ giới nghiêm

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin Hà Nội sẽ “gỡ bỏ” giờ giới nghiêm, các hãng lữ hành và người kinh doanh các hoạt động vui chơi, giải trí tại Thủ đô tỏ ra rất phấn khởi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên khoanh vùng, thí điểm một số khu thu hút đông du khách quốc tế chứ không nên cho kinh doanh dịch vụ tràn lan vào ban đêm.

Phấn khởi

Bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương cho phép mở cửa các địa điểm vui chơi giải trí để du khách có thể vui chơi sau 12 giờ đêm của TP Hà Nội, Quản lý Nhà hàng Polite Pub Lê Hoàng Long cho biết: “Đa số du khách nước ngoài đến Hà Nội thường bị lệch múi giờ Việt Nam. Do vậy, thường sau 24 giờ đêm mới là thời điểm họ vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các nhà hàng, quán bar không được mở cửa sau 12 giờ đêm. Thế nên, khách không còn lựa chọn nào khác là quay trở về khách sạn. Điều này khiến chúng tôi mất rất nhiều doanh thu. Bởi vậy, tôi rất mừng khi TP có chủ trương này”.
Phố cổ Hà Nội về đêm hấp dẫn du khách.
Phố cổ Hà Nội về đêm hấp dẫn du khách.
 
Cùng chung niềm phấn khởi, Quản lý Rockstore (61 Mã Mây) Kiều Hoàng Nam cho rằng: “Chủ trương cho phép mở cửa các điểm vui chơi, giải trí sau 12 giờ đêm không chỉ giúp du khách có nhiều thời gian khám phá Hà Nội, tăng doanh thu từ du lịch mà tôi tin nhiều mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch về đêm sẽ được mở ra. Điều này sẽ góp phần nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Thủ đô”.

Chị Kiều Huyền Trang – Quán cơm sườn Đào Duy Từ cho biết, chủ của tất cả các quán ăn ở khu phố cổ đều mong muốn được phép mở cửa lâu hơn để thu hút khách, đặc biệt là khách Tây. Chị Trang bày tỏ tin tưởng rằng quy định này sẽ thu hút được lượng khách đến với Hà Nội đông hơn.

Không chủ giới kinh doanh dịch vụ, các hãng lữ hành cũng rất hồ hỏi trước chủ trương này. Tổng Giám đốc Công ty lữ hành APT Travel Nguyễn Hồng Đài cho rằng: “Nếu chủ trương này thành hiện thực, chắc chắn, sức hút của Hà Nội đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế sẽ tăng đáng kể”. “Bởi lẽ, du khách đến với Thủ đô, ngoài việc tham quan các danh lam thắng cảnh đẹp, thưởng thức ẩm thực còn có nhu cầu giải trí vào buổi tối, gặp gỡ, hẹn hò đối với bạn bè, đặc biệt là những du khách Tây Âu có múi giờ khác với người Việt Nam”- ông Đài phân tích.

Theo Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Lưu Đức Kế, du khách đến với Hà Nội chủ yếu là khách đi lẻ, do vậy đa số du khách sẽ có tâm lý muốn đi tự do trải nghiệm. Không có các điểm vui chơi về đêm tức là đã cắt giảm 30-40% các mong muốn của du khách, đồng thời làm giảm nguồn thu từ khách. "
Vì thế, tôi rất ủng hộ và vui mừng khi biết tin chính quyền TP Hà Nội sẽ xóa bỏ lệnh giới nghiêm đối với các khu vui chơi, giải trí về đêm ở Thủ đô, đặc biệt là nơi tập trung nhiều du khách như khu phố cổ".

Tăng cường công tác quản lý

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, giới chuyên môn cũng chỉ ra rằng, chủ trương này khi triển khai có thể sẽ nảy sinh những mặt tiêu cực, ví dụ như gia tăng sự phức tạp trong công tác quản lý các hoạt động về đêm, có thể ảnh hưởng đến đời sống của một số người dân, cộng đồng xung quanh các quán bar, khu vui chơi giải trí… Tuy nhiên, những điều đó có thể khắc phục, hạn chế được bằng các biện pháp quản lý.

Ông Đài đưa ra giải pháp: “TP Hà Nội nên khoanh vùng thí điểm và trước hết chủ yếu mở cửa để phục vụ cho khách quốc tế là chính, bởi lẽ khách quốc tế là đối tượng khách ít gây ra tệ nạn xã hội, đồng thời góp phần tạo ra những dịch vụ để họ có nơi vui chơi về đêm và tiêu tiền. Thứ hai, trước mắt khuyến khích chỉ cho phép nhà hàng, quán bar sau 12 giờ đêm, chứ không cho phép sàn nhảy hoạt động sau múi giờ này, vì đây là nơi hay xảy ra tệ nạn xã hội”.

Bên cạnh đó, ông Kế đề xuất Hà Nội tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động về đêm, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị Sở ngành liên quan. Bên cạnh đó, cần yêu cầu chủ doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nhân lực để đáp ứng yêu cầu khi triển khai chủ trương này, ví dụ như: giảm thiểu các tác động đến cộng đồng, đào tạo nhân viên hướng dẫn khách để khách vừa được thưởng thức dịch vụ vừa có cách hành xử văn minh…

“Chúng ta cần có một bộ tiêu chuẩn để lựa chọn ra những cơ sở đáp ứng nhu cầu thực hiện chủ trương này, đồng thời để truyền thông cho du khách biết những điểm đến đó. Tuy nhiên, không nên đặt ra những thủ tục, điều kiện rườm rà, khó khăn gây khó cho doanh nghiệp. Hà Nội cũng không nên mở tràn lan mà chỉ ưu tiên những khu vực trọng tâm, đặc biệt là những nơi thu hút đông du khách quốc tế, ví dụ như phố cổ” – ông Kế chia sẻ.

Còn ông Long mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo an ninh, trật tự để không phá vỡ vẻ yên bình về đêm của Thủ đô Hà Nội cổ kính.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, đây là giải pháp thiết thực nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu bình quân của du khách cũng như phát triển các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, theo ông Hồng, mọi vấn đề đều có hai mặt của nó và việc mở rộng thời gian kinh doanh dịch vụ có khả năng gây ra những hiệu ứng ngược, tạo điều kiện cho những hoạt động vui chơi giải trí không lành mạnh phát triển, nhất là khi thiếu sự quản lý sát sao của cơ quan chức năng.

Về vấn đề này, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sáng ngày 20/8, thành phố sẽ nghe lại và UBND TP đưa ra quyết định về không gian đi bộ; mở phố sách; có nới mở rộng các điểm kinh doanh trên địa bàn hay không, đồng thời cũng xem xét các quán bar, các khu vực vui chơi… nhằm kéo dài thời gian trước giờ giới nghiêm hơn. “Tuy nhiên, kéo dài đến giờ nào thì đến thứ 7 sẽ quyết định” - ông Chung nói.