Những DN đạt được sự thịnh vượng chính là những DN phát triển bền vững, có đóng góp cho môi trường và cộng đồng xã hội.
Chưa yên lòng về các chỉ số phát triển bền vững
Chia sẻ tại Diễn đàn DN Phát triển bền vững Việt Nam 2016 khai mạc tại Hà Nội ngày 8/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thẳng thắn cho biết: “Tôi không yên lòng về các chỉ số phát triển bền vững tại Việt Nam. Khái niệm phát triển bền vững tại Việt Nam trên lý thuyết tốt đẹp, nhưng thực tế nó nhận được sự tham gia rất ít của cộng đồng từ Nhà nước, DN, đến người dân”.
Việt Nam còn thiếu các DN lớn, đi tiên phong và làm hình mẫu để tăng trưởng và phát triển bền vững. Điều này khiến cộng đồng DN hiện nay vẫn chưa thực sự coi trọng phát triển bền vững là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn. Lên tiếng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN &MT Trần Hồng Hà cho rằng: “Nếu tiếp tục đi theo mô hình phát triển không bền vững thì chúng ta sẽ để lại cho thế hệ tương lai một đất nước nghèo nàn, thiếu hụt tài nguyên và vô cùng nhiều vấn đề”. Do đó, theo Bộ trưởng, cần thống nhất thay đổi tư duy phát triển, chuyển sang mô hình tăng trưởng theo hướng “xanh”. Hướng mà chúng ta chú trọng vào đầu tư tự nhiên, giảm rác thải, sử dụng nguồn năng lượng mới và dựa vào kinh tế tri thức...
Lợi nhuận không phải mục tiêu duy nhất
Ông Trần Hùng Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) tâm sự: “Đôi khi việc theo đuổi lợi nhuận không phải là mục tiêu đúng đắn, bởi nếu coi đây là mục tiêu duy nhất thì DN sẽ làm mọi cách bao gồm cả việc tàn phá môi trường để có lợi nhuận”. Bên cạnh Saigon Tourist, hiện còn có DN tuyên bố theo đuổi mô hình phi lợi nhuận vì lợi ích cộng đồng như Vingroup. Theo đó, ngày 27/9/2016, Vingroup đã công bố chuyển đổi hệ thống Bệnh viện Vinmec và Trường học Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận. Bà Dương Mai Hoa, Tổng Giám đốc Vingroup khẳng định, toàn bộ lợi nhuận làm ra được tái đầu tư vào hệ thống y tế và giáo dục sẽ tạo cơ hội phát triển chiều sâu và bền vững về chuyên môn, từ đó đóng góp trở lại cho cộng đồng. Được biết, Vingroup không thu hồi hơn 4.000 tỷ đồng đã đầu tư vào Vinmec, Vinschool cho đến thời điểm hiện tại.
Ủng hộ xu hướng phát triển bền vững, ông Mathew Wilson – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty Nhà máy bia Heineken Việt Nam khẳng định: “Quan tâm tới phát triển bền vững thay vì chỉ chú ý tới lợi nhuận chính là hướng phát triển đúng đắn mang lại sự thịnh vượng cho DN”. Dẫn chứng thêm, ông Trần Vũ Hoài – Phó Chủ tịch Unilever cho rằng, khi tham gia vào mô hình phát triển theo hướng bền vững, bản thân DN sẽ đạt được lợi ích nhiều mặt. Cụ thể, các nhãn hàng phát triển theo mô hình bền vững đều tăng trưởng qua các năm, tiêu thụ nguồn nguyên liệu địa phương lớn và cùng với đó là đạt doanh thu ổn định. Ví dụ như riêng nhãn hàng Lipton của Unilever, nguyên liệu cho nhãn hàng này vào khoảng 30.000 tấn, tương đương 25% sản lượng chè đen Việt Nam.
Thành công của Vingroup, Heineken, Unilever... chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy kinh doanh theo hướng bền vững đang là xu thế của nền kinh tế, những DN đi ngược xu thế này sẽ dần bị đào thải và suy yếu.
Tối 8/11, trong khuôn khổ Diễn đàn DN phát triển bền vững 2016 do Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI phối hợp với Hội đồng Anh và Unilever tổ chức, Top 100 DN của Bảng xếp hạng DN phát triển bền vững đã được tôn vinh. Từ 400 hồ sơ DN, Ban tổ chức đã lựa chọn được 100 DN tiêu biểu nhất. Những DN được vinh danh tại buổi lễ có: Công ty CP Á Châu, Công ty CP Nhựa Bình Minh, Cocacola, Coninco, Dạ Lan, Dược Hậu Giang, Hanel, Mía đường Lam Sơn... |