Đó là nhận định từ Ông Raymond Lui, Đại diện của Cục phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore tại Hà Nội (IE Singapore) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 30/11. Một trong những lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp Singapore đang rất quan tâm là đối tác, hợp tác hoặc mua lại từ phía Việt Nam đó là bất động sản, các khu dân cư, các khu công nghiệp. Đây là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển trung và dài hạn, doanh nghiệp Singapore rất chú trọng đến việc đầu tư lâu dài và ổn định tại Việt Nam nên thường lựa chọn lĩnh vực đó. Bên cạnh đó một số ngành mà các doanh nghiệp đến từ Singapore cũng đang xem xét đó là giao thông vận tải, kho vận, năng lượng và xử lý môi trường. Trong bối cảnh thị trường bất động sản thời gian qua đi xuống. Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai dự án do thiếu vốn, thanh khoản thị trường thấp. Vì vậy, M&A trong lĩnh vực bất động sản diễn ra mạnh trong thời gian gần đây do nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu sẽ phải sáp nhập hoặc bán dự án để tái cấu trúc công ty. Nắm bắt được xu hướng đó, doanh nghiệp nước ngoài luôn là đối tác đi đầu trong hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế để đạt được những thương vụ chuyển nhượng thành công không phải dễ dàng khi công ty nước ngoài luôn “đặt áp lực về giá” đối với doanh nghiệp trong nước. Ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng đã xem việc mua lại dự án bất động sản trong thời buổi khó khăn là một cơ hội để tích lũy tài sản. Điển hình là Tập đoàn Hà Đô, theo thông từ Hà Đô thì Công ty này đã thương lượng với rất nhiều chủ dự án từ Bắc vào Nam, và cũng đã có được những thương vụ thành công. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá năm 2012 kinh tế Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn nhiều so với năm 2011 và bất động sản cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh từ nền kinh tế vĩ mô. Mặc dù vậy, với những tiềm năng trong trung và dài hạn của lĩnh vực này thì bất động sản vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp đến từ Singapore. Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, năm 2012 kinh tế Việt Nam còn khó khăn hơn năm 2011. Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế như tiền điện, tiền lương, giá lương thực, lạm phát,…đều có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam thực sự có vấn đề ở khâu phân bổ nguồn lực. Chính vì thế, cần có một biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế như chế độ lương, lĩnh vực ngân hàng, công ty nhà nước,…Những vấn đề này được nhà đầu tư Singapore rất quan tâm, tuy nhiên, họ vẫn còn lo lắng và băn khoăn việc làm đó đã diễn ra hay chưa, hiện đã làm hay đến bao giờ mới làm? Nới đến tiềm năng của bất động sản Ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nền kinh tế đang khó khăn chung trong đó có bất động sản vì thị trường này có quan hệ mật thiết với các thị trường khác như tài chính và xây dựng. Gần đây thị trường rất trầm lắng thể hiện ở hai thị trường chính là HN và Tp.HCM. Giá bất động sản có xu hướng giảm. Tuy mới hình thành nhưng bất động sản có những bước phát triển rất tích cực. Thu hút đáng kể các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Lĩnh vực đầu tư BĐS có FDI luôn đứng ở vị trí thứ 2, hiện có 368 dự án có vốn FDI đạt hơn 46 tỷ USD. Có những dự án rất thành công như PMH, Ciputra, VSIP, Bắc Thăng Long, các dự án khách sạn, văn phòng 5 sao… Mặc dù vậy, thị trường cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém do diễn biến giá phức tạp, cơ cấu hàng hóa bất hợp lý, thiếu sản phẩm có diện tích nhỏ và giá hợp lý. Năm 2009- 2010 thị trường phát triển quá nhiều dự án cao cấp dẫn đến sụt giảm về giao dịch mạnh nhất trong tất cả các phân khúc thị trường. Nhìn nhận về trung và dài hạn thì lĩnh vực bất động sản vẫn là ngành trọng tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo Chiến lược phát triển nhà ở đến 2020 và tầm nhìn 2030 mà Thủ tướng sắp phê duyệt, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam là rất lớn, bình quân hàng năm cần xây dựng thêm khoảng 100 triệu m2 nhà ở. Năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 38% và đến 2020 khoảng 45% tương đương 45 triệu dân sống trong khu vực đô thị tăng gần 20 triệu người so với hiện tại. Do đó, đi kèm là các công trình nhà ở, dịch vụ, thương mại, khách sạn, văn phòng tại đô thị lớn sẽ tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu đó, định hướng chiến lược sẽ đẩy mạnh nhà ở cho thuê, nhà ở cao tầng ở khu vực đô thị.