Doanh nghiệp sốt sắng, chính sách… khoan thai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường BĐS đã không có sự đột phá như kỳ vọng, mặc dù Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đã chính thức có hiệu lực được gần 3 tháng.

DN liên tục chào bán sản phẩm, nhưng lượng khách ngoại chưa nhiều, vì còn những khoảng trống từ chính sách chưa được lấp đầy.

Khách ngoại vẫn nghe ngóng

Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo các chuyên gia, là sự chậm chạp trong việc ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn để Luật sớm đi vào cuộc sống. Ngoài ra, còn có rất nhiều "điểm nút" khác về thủ tục pháp lý, về quyền sở hữu, thời gian và số lượng căn hộ được sở hữu... cũng khiến cho khách hàng, đặc biệt là người nước ngoài chưa dám mạnh tay xuống tiền.
Khách nước ngoài tìm hiểu thông tin nhà mẫu Dự án Vũng Tàu - Melody.	 Ảnh: Việt Tâm
Khách nước ngoài tìm hiểu thông tin nhà mẫu Dự án Vũng Tàu - Melody. Ảnh: Việt Tâm
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Minh Tiến - Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị Công ty BĐS Danh Khôi cho biết, Công ty đang độc quyền phân phối và tiếp thị dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp The Goldview tại Bến Vân Đồn, quận 4. Đây là một trong số ít những dự án sở hữu vị trí đắc địa với đầy đủ tiện ích và chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất trong phân khúc căn hộ cao cấp, giá bán phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu của khách hàng. Thế nhưng, trong số gần 600 căn hộ đã được bán ra thời gian qua chỉ có chưa đến 10 khách hàng ngoại quốc, mà phần lớn cũng chỉ mới dừng lại ở mức "giữ chỗ" và "nghe ngóng chính sách".

Tương tự, ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng Giám đốc Hung Thinh Land cho hay, hiện DN đang tung ra thị trường nhiều dự án với chính sách bán hàng cực kỳ phù hợp. Tuy nhiên, cho đến nay, khách hàng là Việt kiều và người nước ngoài vẫn mới "thể hiện sự quan tâm sâu sắc" đến dự án chứ chưa dám mạnh dạn ký hợp đồng mua bán. Đơn cử như dự án Vung Tau Melody, nằm kề bên biển Vũng Tàu, với 2 mặt tiền đường, mức giá chỉ từ 839 triệu đồng/căn, rất phù hợp với những chuyên gia nước ngoài (số lượng khá lớn) đang làm việc tại Vũng Tàu. Thế nhưng, trong số hàng ngàn khách hàng đến tham dự lễ khai trương căn hộ mẫu, số lượng khách nước ngoài chỉ "đếm trên đầu ngón tay".

Còn ông Nguyễn Dư Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, nhằm đón đầu chính sách, ngay từ khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS được Quốc hội thông qua, Hưng Lộc Phát đã khởi động dự án cao ốc Hưng Phát 2 (Hưng Phát Silver Star) tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (giáp ranh quận 7 - Phú Mỹ Hưng). Dự án có quy mô 8.956m2, gồm 3 block với tổng số 447 căn hộ cùng khu trung tâm thương mại 3 tầng và diện tích cảnh quan cây xanh. Giá chào bán dự kiến khoảng từ 1,3 tỷ đồng/căn hộ 2 phòng ngủ. Theo ông Lực, từ nay đến năm 2018, Công ty sẽ triển khai 4 dự án tại Nam Sài Gòn, với khoảng 4.000 căn hộ cao cấp, tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Những căn hộ này hướng đến đối tượng khách hàng trung cao cấp, người nước ngoài và Việt kiều.

“Không riêng gì Hưng Lộc Phát, tôi được biết nhiều DN khác cũng đã chuẩn bị sẵn dự án và kế hoạch bán hàng cho Việt kiều và người nước ngoài. DN chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng tất cả rồi, chỉ còn đợi có văn bản hướng dẫn chi tiết nữa là “bung” thôi. Nhưng không biết sẽ còn phải đợi đến bao giờ?” - ông Lực băn khoăn.

“5 điểm nút” - “5 điểm chết”?

Phát biểu tại một cuộc hội thảo với nội dung "gỡ nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà" vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh cho rằng, có "5 điểm nút" căn bản khiến người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam gặp khó khăn. Đó là: Chậm triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014 (dù đã chính thức có hiệu lực từ 1/7, đến nay đã gần 3 tháng); thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa; quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án BĐS là kiều bào vẫn chưa có; cơ sở dữ liệu thiếu và yếu; phương thức thanh toán cứng nhắc (chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà nhưng chưa được phép chuyển ra nước ngoài sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở). Theo ông Phương, "5 điểm nút" này chính là "5 điểm chết" của thị trường trong việc bán nhà cho người nước ngoài và Việt kiều.

Chung nhận định, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành dưới Luật đã khiến Việt kiều và người nước ngoài còn khá e dè trong quyết định mua nhà. Chính vì vậy, thời điểm hiện tại, họ vẫn phải nhờ người thân tại Việt Nam đứng tên trong hợp đồng mua bán, như “thói quen” của hàng chục năm qua.

Theo ông Hiếu, mặc dù trên thị trường hiện nay đang có sự chuyển dịch dòng vốn rất mạnh từ các kênh như chứng khoán, vàng sang đầu tư BĐS vì nhiều người vẫn cho rằng đây là một kênh đầu tư an toàn và sinh lợi nhất hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, DN trong nước không nên quá kỳ vọng và trông chờ vào đối tượng người mua là Việt kiều và người nước ngoài. Ngược lại, DN cần thay đổi mô hình kinh doanh, chiến lược bán hàng, cách tiếp cận khách hàng… Vì hiện nay, cách giải thích về chính sách cho người nước ngoài không thống nhất, dẫn đến khó mà lôi kéo được họ mua nhà.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, khách hàng nói chung (bao gồm Việt kiều và người nước ngoài) “không phải là những ông thần tài vui tính, ôm một mớ tiền quẳng qua cửa sổ… để đầu tư”. Trước khi quyết định mua nhà, họ cũng nghiên cứu, xem xét rất kỹ lưỡng, nhằm hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận rằng, không phải cứ Việt kiều và người nước ngoài là có nhiều tiền. Họ cũng làm công ăn lương, cũng làm lụng vất vả mới kiếm được đồng tiền. Vì vậy, các DN cũng cần phải tính đến sản phẩm phù hợp với nguồn cầu cho đối tượng này, không nên quá chú trọng, đổ xô vào phân khúc cao cấp để "đón lõng" khách hàng nước ngoài như hiện nay.