Doanh nghiệp thống nhất việc bổ sung 21 vi chất
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH Milk cho biết “Về dự thảo Quyết định tiêu chuẩn sữa tươi, quan điểm của TH sử dụng sữa tươi tiệt trùng để dùng trong chương trình và các loại vi chất sẽ sử dụng các vi chất mà Viện Dinh Dưỡng khuyến cáo, về nguyên liệu sữa đầu vào cần tuân thủ theo chất lượng quy định tại thông tư 29 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Ông Nguyễn Hòa - Phó Chủ tịch HĐQT NutiFood đưa ra ý kiến: “Dự thảo quyết định lần này được biên soạn bám sát Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Về vi chất, thống nhất nên để vi chất bắt buộc, không để vi chất khuyến khích, nên chú ý khung hàm lượng vitamin vì vitamin sẽ bị giảm theo thời gian”.
Ông Lê Nguyên Hòa - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood |
Đưa ra các ý kiến cụ thể góp ý cho dự thảo, ông Khánh nhấn mạnh “Trong dự thảo quyết định cũng nên thống nhất một cách ghi tại mục 2.1 và 2.2 để tạo sự rõ ràng, tránh sự hiểu lầm. Một vấn đề về việc quản lý sữa hiện nay chúng tôi đang chịu sự quản lý của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương và Bộ Y tế, điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về quy chuẩn của sữa tươi nguyên liệu đầu vào theo thông tư 29 để quản lý nguyên liệu đầu vào chứ không dùng để truy xuất nguồn gốc. Về vấn đề ghi nhãn, hiện trong dự thảo quyết định ghi theo Nghị định 43, đề nghị bổ sung thêm thông tư 43 ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế về quản lý thực phẩm chức năng. Trong điều 3 của dự thảo quyết định nên bổ sung Viện Dinh dưỡng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. Đây là chương trình nhân văn nên đề nghị tổng kết sớm chương trình để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo đáp ứng được nhu cầu của người dân”.
Ông Nguyễn Thanh Đề, Quyền Vụ giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đơn vị chúng tối là đơn vị thụ hưởng, đồng quan điểm cái gì tốt nhất dành cho trẻ em, sau hơn 3 năm thực hiện trên toàn quốc mới có khoảng 20 tỉnh triển khai, trong đó có tỉnh mới chỉ xây dựng kế hoạch. Vấn đề thực tiễn triển khai chương trình rất khó khăn, theo ý kiến cá nhân các vi chất đưa vào phải bắt buộc, quan điểm tốt nhất dành cho trẻ em là bổ sung 21 vi chất”.
Phụ huynh băn khoăn “Chưa có tiêu chuẩn sữa học đường, tại sao Bộ Y tế không ban hành”?
Lắng nghe các ý kiến của nhiều công ty sữa, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: “Tất cả các doanh nghiệp đã thống nhất về các loại sữa tươi tham gia Chương trình sữa học đường gồm 2 loại: sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và Sữa tươi tiệt trùng, không đưa vào chương trình sữa tươi nguyên chất thanh trùng và sữa tươi thanh trùng do tình hình thực tiễn khí hậu, hạn sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, không đảm bảo an toàn thực phẩm… Về các vi chất dinh dưỡng, Bộ Y tế sẽ giao viện dinh dưỡng đề xuất các loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường nêu trên để Bộ Y tế quyết định, giao Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và Cục An toàn thực phẩm rà soát danh mục các vi chất do Viện Dinh dưỡng đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ”.
Hiện Hà Nội và một số tỉnh, thành đang triển khai chương trình sữa học đường và bước đầu được các phụ huynh đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, quy chuẩn mà phụ huynh chờ đợi, nhà trường kỳ vọng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế mới đưa ra quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường (ban hành năm 2017). Quy định này cũng chưa cụ thể về các vitamin, khoáng chất bổ sung vào sữa.
Dư luận cũng đặt câu hỏi: Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quy chuẩn về sữa tươi nguyên liệu từ năm 2017, vậy tại sao Bộ Y tế đến giờ vẫn chưa ban hành bộ quy chuẩn về sữa học đường?
Với những lùm xùm về chất lượng sữa học đọc đường vừa qua khiến dư luận bày tỏ sự lo ngại, việc sớm ban hành những quy chuẩn để đảm bảo chất lượng sữa học đường đáp ứng tốt nhu cầu xã hội là vô cùng cần thiết. Sự chậm trễ của Bộ Y tế rõ ràng không chỉ khiến dư luận băn khoăn mà còn khiến một chương trình sức khỏe quốc gia như chương trình sữa học đường bị ảnh hưởng lớn.