Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp và người dân lại gặp khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 28/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương bất ngờ có công văn điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu kể từ 20 giờ cùng ngày.

Theo đó, xăng được điều chỉnh tăng tối đa 1.430 đồng/lít lên 24.580 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diezel  tăng tối đa 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít và dầu madut tăng 807 đồng/kg.

Kinh doanh theo kiểu ứng trước bù sau

Quyết định này quả thật gây "sốc" cho người dân và dư luận, bởi mặt bằng giá xăng, dầu thế giới đang giảm liên tục. Tuy nhiên, theo lý giải từ Bộ Tài chính, từ cuối năm 2012, đầu năm 2013, giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng đã làm giá cơ sở tăng cao.

Doanh nghiệp và người dân lại gặp khó - Ảnh 1

 
Khách hàng đầu tiên mua xăng theo giá mới tại cây xăng 111 Đường Láng.Ảnh: Thanh Hải
 
Để giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước nhằm bình ổn giá cả thị trường, Nhà nước đã liên tục điều hành để giữ ổn định, không tăng giá bán lẻ xăng, dầu trong nước mà sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG), từ đầu năm 2013 đã có 4 lần điều chỉnh và hiện nay mức sử dụng Quỹ BOG đối với xăng là: 2.000 đồng/lít, dầu diezel: 800 đồng/lít, dầu hỏa: 1.150 đồng/lít, dầu ma zút: 650 đồng/kg.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết thêm: Ngày 26/2, giá xăng, dầu thế giới tăng ở mức cao, nên giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở từ 1.000 đồng - 2.300 đồng/lít, khi đó phải điều chỉnh tăng giá bán từ 1.000 đồng - 2.300 đồng/lít. Tuy nhiên, để ổn định thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng Quỹ BOG để bù đắp.

Hiện nay, "giá xăng dầu thế giới tuy giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi, Quỹ BOG xăng, dầu của các DN kinh doanh xăng, dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít, dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng, dầu diễn ra rất phức tạp" - lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh khi nói đến lý do phải điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm này.

Ưu ái ngành xăng dầu nhiều quá!

Lần tăng giá xăng lần này của cơ quan quản lý được lý giải là do Quỹ BOG đã cạn. Theo Thông tư 234 của Bộ Tài chính, khi giá thế giới tăng, Quỹ BOG xăng dầu xả ra để bù đắp chênh lệch phát sinh lỗ cho DN, tránh khỏi việc tăng giá bán lẻ. Nếu Quỹ BOG hết thì có thể áp dụng các công cụ tài chính cần thiết khác. Quỹ BOG xăng, dầu là một trong những công cụ pháp luật cho phép thực hiện để điều tiết giá. Nó được trích ra từ giá bán lẻ xăng, dầu. Về nguyên tắc và mục tiêu thì rất rõ như vậy, rất hợp lý và tốt đẹp cho cả ba bên - Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa thuyết phục đối với người tiêu dùng. 

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, Quỹ BOG xăng dầu thực chất là tiền của người tiêu dùng đóng góp vào, là phần doanh thu mà DN được giữ lại không phải đóng thuế, hay có thể coi là phần vốn huy động không mất lãi suất, để đến khi cần bình ổn giá thì đưa ra sử dụng. Khi giá xăng, dầu thế giới tăng lên DN lại kêu lỗ và ra sức đòi tăng giá xăng, dầu bán ra trong nước, Nhà nước buộc phải cho trích quỹ. 

Doanh nghiệp và người dân lại gặp khó - Ảnh 2
 
Nhân viên cửa hàng xăng dầu số 31 Đường Láng treo bảng giá mới (ảnh chụp lúc 20 giờ tối 28/3). Ảnh: Thanh Hải

Mấy tuần qua, giá xăng, dầu thế giới liên tiếp giảm mạnh, trong khi giá trong nước vẫn chưa được điều chỉnh giảm, tỷ lệ trích BOG cũng giữ nguyên giúp DN kinh doanh xăng dầu đang được hưởng lãi lớn. Có rất nhiều cảnh báo từ giới chuyên gia: Khi điều hành Quỹ BOG xăng, dầu, không những phải minh bạch cơ chế trích lập và xả quỹ, Bộ Tài chính còn phải tính toán đảm bảo tính ổn định, tránh suy giảm, cạn kiệt vì xả quỹ quá đà. Cho xả ào ạt như thế, khi giá xăng tăng lại quỹ có còn sức để bình ổn nữa không? Lúc đó lại tăng giá và người tiêu dùng lại chịu thiệt. Và lần này, giá xăng trong nước đã tăng thật, cơ quan quản lý đưa ra lý do để bù cho Quỹ BOG đang cạn. 

Có người ví von ngành kinh doanh xăng, dầu giống như một cậu quý tử được nuông chiều, "được voi đòi tiên", cứ tìm cơ hội để tăng giá, móc túi tiền của người dân. Về lý do điều chỉnh tăng giá xăng do nguyên nhân giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng, dầu diễn ra rất phức tạp, nhiều chuyên gia cũng không đồng tình.

 Theo TS Lê Đăng Doanh, không thể so sánh giá xăng của ta so với các nước khác do thu nhập bình quân đầu người của họ cao. So với các quốc gia ASEAN khác, dù thu nhập của người Việt Nam đã dần được thu hẹp trong 20 năm qua, khoảng cách vẫn còn rất lớn ở vào thời điểm hiện tại. Còn chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng: Thay vì tăng giá xăng, đáng lẽ ra các cơ quan chức năng phải quản lý chặt không để xảy ra tình trạng buôn lậu.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn đang hết sức khó khăn, việc tăng giá xăng, dầu một cách dồn dập sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Chắc chắn giá xăng, dầu tăng liên tục sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền tới hầu hết các sản phẩm vật chất và dịch vụ khác, thể hiện hết những khó khăn thực tế mà người dân gánh chịu trong cuộc sống hàng ngày. Và từ đó, mong các DN kinh doanh xăng dầu và nhà quản lý hiểu hơn mỗi khi tăng giá.
 
Với cách thức điều hành giá xăng, dầu còn lúng túng như hiện nay, vấn đề đặt ra là cần phải sửa đổi gấp Nghị định 84/NĐ-CP về cơ chế định giá; công thức tính giá cơ sở; chi phí kinh doanh, thù lao hoa hồng đại lý; quỹ bình ổn giá..., đồng thời nhanh chóng tháo gỡ tình trạng kinh doanh độc quyền, có những giải pháp tạo ra thị trường kinh doanh xăng, dầu cạnh tranh lành mạnh ở nước ta. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long