Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp vận tải biển “chìm đắm” trong khó khăn

Theo Vneconomy
Chia sẻ Zalo

Cổ phiếu ngành vận tải biển gần 10 năm về trước đã từng là tâm điểm nhưng kể từ năm 2008 trở lại đây, các doanh nghiệp đang phải chật vật để tồn tại...

Tình trạng giá cước, nhu cầu hàng hoá vận chuyển liên tục chạm đáy trong gần 10 năm qua, chưa có dấu hiệu phục hồi khiến doanh nghiệp vận tải biển khó khăn chồng chất khó khăn, không biết đến ngày nào mới được “ngẩng mặt”…
Đắm chìm trong thua lỗ
Công ty Cổ phần Vinafco (Mã VFC - UpCOM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2017. Kết quả cho thấy, hoạt động kinh doanh của công ty này trong 6 tháng đầu năm tiếp tục đà suy giảm từ năm 2016.
Doanh nghiệp vận tải biển vẫn trong thời kỳ khó khăn chồng chất.
Theo đó, trong quý 2, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 257 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 18 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận gộp giảm là do cước đường biển giảm mạnh và kho mới đưa vào khai thác chưa hoạt động hết công suất.
Trong khi đó, chi phí tài chính tăng cao, cùng với ghi nhận khoản lỗ từ các công ty con liên kết dẫn đến lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ 3 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng mức lỗ ròng thuộc về công ty mẹ Vinafco là 5 tỷ đồng.
Một đại gia vận tải biển khác trong ngành khiến nhà đầu tư ngán ngẩm khi liên tiếp báo lỗ trong các kỳ kinh doanh vừa qua là Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam - Vosco (Mã VOS - HOSE).
Vosco vẫn được biết đến là doanh nghiệp vận tải biển quốc gia hàng đầu Việt Nam với 40 năm trong ngành. Hiện, quy mô vốn, đội tàu, năng lực vận tải của Vosco vượt xa một loạt doanh nghiệp vận tải biển trong nước. Tuy nhiên, cùng với sự khó khăn của ngành vận tải biển thì Vosco đã chìm trong thua lỗ triền miên, đây là quý thứ 10 công ty ghi nhận kinh doanh thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 mà công ty này công bố, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2017 đạt 730 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao 794 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 66 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016 và ghi nhận mức lỗ ròng gần 173 tỷ đồng, tăng 25,4%.
Năm 2017, doanh nghiệp này đặt kế hoạch “giảm lỗ tối đa”. Để cụ thế hoá kế hoạch, Vosco đánh tiếng thanh lý 2 con tàu Sông Ngân và Vĩnh Thuận. Giá bán tàu Sông Ngân là 16,5 tỷ đồng, tuy nhiên, hiện tại công ty vẫn chưa có thông báo chính thức đã hoàn tất việc bán tàu hay chưa.
Làm ăn bết bát, cùng nhau rời sàn
Báo cáo mới nhất về tình hình kinh doanh của ông lớn ngành vận tải biển Vinaship cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm 2017 của công ty đạt 252 tỷ đồng, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp cao khiến cả kỳ công ty ghi nhận lỗ 68,4 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 số lỗ của 6 tháng năm 2016.
Trong phần báo cáo giải trình khoản lợi nhuận gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo công ty Vinaship cho hay, ngành vận tải biển vẫn chưa có dấu hiệu ổn định.
Trong quý 2, phương thức khai thác chính của đội tàu Vinaship là tàu chuyến chủ ếu trong khu vực Đông Nam Á, trong đó phần lớn là hàng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, một số tàu đã phải đối mặt với rủi ro từ hoạt động giao thương dẫn đến phát sinh thời gian chờ xếp, dỡ hàng như than xuất khẩu của Indonesia, gạo nhập khẩu vào Philippines.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá nhiên liệu cao và các chi phí phát sinh nhằm đảm bảo an toàn cho đội tàu tăng nên kết quả kinh doanh quý 2 của năm 2017 kém hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Trước đó, cổ phiếu của Vinaship đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM hủy niêm yết từ ngày 21/4/2017 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty này tính đến ngày 31/12/2016 là âm 205,47 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 200 tỷ đồng. Sau khi rời sàn HOSE, 20 triệu cổ phiếu của Vinaship được đưa vào giao dịch tài sàn UpCOM.
Lỗ lớn cũng đang diễn ra ở các doanh nghiệp cùng ngành khác là Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST). Năm 2016, VST lỗ 265 tỷ đồng cao hơn so với mức lỗ năm 2015 là 196 tỷ đồng, tăng 10%. Tình hình kinh doanh khó khăn cộng vố chủ sở hữu âm đã khiến cổ phiếu VST bị đưa vào diện cảnh báo từ giữa 2016.
Hàng loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp vận tải biển khác cũng bị đưa vào diện cảnh báo như Công ty Cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (Mã VSP), Công ty Cổ phần Vận tải biển Hải Âu (Mã SSG)…
Cổ phiếu ngành vận tải biển gần 10 năm về trước đã từng là tâm điểm của giới đầu tư. Tuy nhiên, kể từ năm 2008 trở lại đây thì các doanh nghiệp đang phải chật vật để tồn tại.
Để giúp các doanh nghiệp vận tải biển thoát cơn bĩ cực, mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tổ chức đấu thầu trong nước đối với các hợp đồng vận chuyển than nhập khẩu bằng đường biển nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ các cam kết về dịch vụ vận tải biển của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO.
Bên cạnh đó, các chủ hàng Việt Nam tạo điều kiện để đội tàu của Việt Nam được vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Đây sẽ là cơ hội cho đội tàu Việt Nam tham gia vận chuyển và nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trong giai đoạn khó khăn của thị trường vận tải biển.