Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp vàng trước nguy cơ ngừng kinh doanh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo dự thảo về Nghị định vàng vừa được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng.

Dự thảo nghị định mới về quản lý vàng nếu được ban hành sẽ dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp đang sản xuất vàng miếng phải ngừng hoạt động và chỉ còn Công ty SJC. Điều này còn dễ tạo ra thị trường chợ đen.

Theo dự thảo về Nghị định vàng vừa được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng. Với quy định này, chỉ còn Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, hiện chiếm khoảng 90% thị phần, là đủ điều kiện để sản xuất, gia công vàng miếng.

Như vậy, 7 đơn vị còn lại gồm Công ty Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu, Ngân hàng Á Châu (ACB), Sacombank, Ngân hàng Phương Nam và hai doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nông Nghiệp sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi'.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định việc chỉ các doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng, có chi nhánh tại ba tỉnh thành lớn mới được phép mua bán vàng miếng. Như vậy, hơn 10.000 đơn vị đang kinh doanh vàng hiện nay phần lớn sẽ không được phép bán vàng miếng nữa.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright bình luận, đây là dự thảo mang tính phi thị trường. Quy định dự kiến ban hành không loại 7 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khỏi cuộc chơi mà trong tương lai khó có thêm tổ chức nào được sản xuất vàng miếng ngoài SJC.

Theo ông Anh, nguồn cung bị thu hẹp nhưng nhu cầu người dân vẫn cao thì việc hình thành thị trường vàng chợ đen là điều tất yếu. Khi đó, việc kiểm soát sẽ lại vất vả như quản lý đôla Mỹ chợ đen hiện nay.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM nhận định, đành rằng sản xuất, kinh doanh vàng miếng là loại hình có điều kiện và cần được quản lý. Tuy nhiên, nếu đưa ra điều kiện như vậy sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền và làm méo mó thị trường vàng.

Ông cũng cho rằng, với hơn 10.000 đơn vị đang kinh doanh vàng nếu bị cấm mua bán, liệu họ có chịu từ bỏ mặt hàng vàng miếng, hay tiếp tục bán “chui” như ngoại tệ để thu lợi nhuận. "Khi đó, việc hình thành thị trường vàng chợ đen khó tránh khỏi", ông Thuận nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Thuận, mục tiêu chống vàng hoá nền kinh tế là đúng đắn, nhưng cái cốt lõi là phải nâng cao được giá trị đồng nội tệ; muốn vậy phải giải quyết được bài toán về lạm phát. Còn việc dùng các biện pháp hành chính can thiệp mạnh vào thị trường vàng chỉ là phần ngọn và mang tính chất tình thế.

Bản thân doanh nghiệp trong cuộc cũng có nhiều chia sẻ. Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC Nguyễn Thành Long bộc bạch, dự thảo đưa ra theo hướng thu hẹp thị trường vàng tiền tệ là một việc rất nên làm. Bởi không quốc gia nào sử dụng song hành đồng nội tệ với USD hay vàng. "Tuy nhiên, việc thu hẹp này cần có lộ trình và phải thực hiện từng bước một", ông Long nói.

Những doanh nghiệp có thị phần nhỏ thì tỏ ra rất lo lắng nếu dự thảo luật mới của Ngân hàng Nhà nước được duyệt. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc công ty vàng Agribank cho rằng, nếu không được sản xuất vàng miếng nữa, tất cả máy móc thiết bị sẽ bị lãng phí, nhân công thất nghiệp... "Chúng tôi đã đầu tư hệ thống công nghệ để sản xuất vàng miếng, cũng đã bỏ rất nhiều chi phí để xây dựng thương hiệu, bỗng chốc sẽ trở thành lãng phí", ông nói.

Song ông Trúc cho rằng, nếu điều này thành hiện thực, ông cũng không thể ngồi im đó nhìn mà sẽ phải tìm các hướng kinh doanh khác, có thể là mở rộng sang mảng nữ trang.

Và điều ông Trúc lo ngại khác là, nếu chỉ để một doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận đứng ra độc quyền sản xuất vàng miếng thì tất yếu sẽ làm méo mó thị trường vàng. Còn nếu đã đưa ra điều kiện như vậy thì Ngân hàng nhà nước nên mua lại thương hiệu SJC để đứng ra sản xuất và quản lý luôn vàng miếng; lúc này sản xuất vàng miếng không vì mục đích kinh doanh.

Chung chia sẻ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, ông Đinh Nho Bảng nhìn nhận, các doanh nghiệp đang được sản xuất, nay bỗng nhiên phải hủy bỏ tất cả công việc kinh doanh thì tất cả máy móc, nhân công không biết sẽ đi về đâu.

Ông Bảng cho biết nếu thật sự dự thảo trên được thực thi, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra một lộ trình dài hạn để các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi mô hình kinh doanh, nhân công và máy móc nhà xưởng.

Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng sẽ tùy thuộc điều kiện thực tế trong từng thời kỳ, nhưng sẽ rất hạn chế.