Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nhân Phan Văn Quý: “Nghĩ cho tổng thể, lo cho tập thể”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mang kinh nghiệm, hơi thở của thực tiễn đời sống DN vào nghị trường bằng cách tự ứng...

Kinhtedothi - Mang kinh nghiệm, hơi thở của thực tiễn đời sống DN vào nghị trường bằng cách tự ứng cử, không phải doanh nhân nào cũng tâm huyết với đời, với nghề được như thế. Rời quân ngũ sau gần 30 năm cống hiến, Phan Văn Quý hăm hở lao vào làm kinh tế, nhiệt huyết ở cương vị đại biểu Quốc hội với mong muốn, còn có sức, còn đóng góp cho đất nước.

Người lính thời bình

Với bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện trong chiến tranh, năm 1999, sau gần ba chục năm trong quân ngũ, Anh hùng Phan Văn Quý được nghỉ hưu nhưng ông lại quyết định bắt đầu bước vào trận chiến đấu mới trên thương trường. Sau nhiều gian khó, cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, qua hai lần vấp ngã, năm 2001, ông và một số bạn bè sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, chuyên về xây dựng và kinh doanh bất động sản. Anh hùng Phan Văn Quý đảm đương cương vị làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn.
Doanh nhân Phan Văn Quý.   Ảnh: Châu Giang
Doanh nhân Phan Văn Quý. Ảnh: Châu Giang
Từ bài học “xương máu” của những lần thất bại trước, ông nghiên cứu thật kỹ nhu cầu thị trường và tập trung vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ban đầu, do chưa có nhiều dự án, Thái Bình Dương chấp nhận làm “thứ cấp” cho một số công ty. Dần dà, tiềm lực và tên tuổi của DN được khẳng định, các đối tác tìm đến Thái Bình Dương với các dự án hàng trăm tỷ đồng ngày càng nhiều. Có thể kể đến như dự án khu đô thị Hà Phong, nhà cao tầng Trần Hưng Đạo, nhà biệt thự Hồ Tây… Những năm 2006, 2007, doanh nhân Phan Văn Quý còn quyết định tham gia vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thành lập công ty chứng khoán để tham gia khi thị trường chứng khoán đang bùng nổ dữ dội. Tuy nhiên, theo như ông chia sẻ, làm người lính cũng như khi làm doanh nhân, phải biết “tiến và lùi” đúng thời cơ, thời điểm. Do đó, ông đã có quyết định táo bạo khi rút vốn khỏi ngân hàng ngay trước khi khủng hoảng nền kinh tế bùng nổ vào năm 2008.

Trong kinh doanh, ông có một quan điểm rất đáng nể, đó là coi đối tác như đồng đội. Ông chia sẻ, khi coi đối tác như đồng đội, suy nghĩ sẽ là nghĩ cho tổng thể, làm thế nào để lo cho tập thể, trong đó có mình. Chính với phương châm nghĩ và làm này, ngày càng nhiều đối tác đã tìm đến Tập đoàn Thái Bình Dương và Công ty đã có nhiều cơ hội để mở rộng phạm vi hoạt động. Dấu ấn của Tập đoàn ngày càng được khẳng định qua các dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao trong ba lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn là công nghiệp, bất động sản và tổng thầu. Có thể kể đến như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1, Dự án Tổ hợp Trung tâm dịch vụ thương mại, căn hộ và văn phòng Hoàng Thành Tower...

Với cương vị là một người lính đã và đang tiếp tục cống hiến cho đất nước, tấm lòng của Anh hùng Phan Văn Quý còn luôn đau đáu về những người dân nghèo trên quê hương Nghệ An, những con người cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc trên những mảnh đất chiến trường xưa. Từ đó, ông luôn sẵn sàng chung tay góp sức với nhiều tổ chức từ thiện góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con, là sáng lập viên của 3 tổ chức từ thiện xã hội: Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Quỹ Tâm Tài Nghệ An.

Tâm huyết của người  đại biểu Nhân dân

Với những kinh nghiệm thực tiễn từ đời sống DN, doanh nhân Phan Văn Quý đã tự ứng cử và trúng cử vào Quốc hội khóa XIII. Ông đã có nhiều góp ý, đề xuất xác đáng xuất phát từ thực tiễn. Trên nghị trường Quốc hội, ông đưa chuyển tiếng nói của cử tri về những vấn đề nóng trong đời sống an sinh xã hội, phản ánh thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đến với cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Ông cũng đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân bám biển và cùng đồng đội, đồng nghiệp thực hiện nhiều chuyến từ thiện về nguồn gội… “Diễn đàn Quốc hội tập hợp các đại biểu gồm nhiều thành phần, cương vị, lĩnh vực hoạt động khác nhau, từ cấp quản lý, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục đến các DN… Do đó, mỗi đại biểu cần nói lên tiếng nói của ngành mình, cương vị của mình. Như vậy sẽ góp phần thu hẹp tối đa khoảng cách giữa thực tiễn đời sống với cơ chế, chính sách” - ông Phan Văn Quý chia sẻ.

Đảm trách công việc với hai nhiệm vụ chính khó khăn là thế nhưng ít người biết rằng, ông từng là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân khi được phong tuổi đời còn rất trẻ. Kể về những năm tháng bom đạn, ông cho biết, năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng trở nên ác liệt, trong khí thế “cả nước ra trận”, ông xung phong vào bộ đội khi vừa sang tuổi 18 và trở thành lính lái xe của Tiểu đoàn          ô tô 52, Trung đoàn 11, Sư đoàn 571. Cùng chiếc xe ZIN157, chiến sĩ Phan Văn Quý đã vượt qua bao cung đường ngang, dọc trên tuyến lửa Trường Sơn bằng tinh thần quả cảm của người con quê Bác anh hùng. Giữa rừng Trường Sơn, phụ tùng thay thế khó khăn, chiến sĩ lái xe Phan Văn Quý đã có nhiều sáng kiến độc đáo, được cả đơn vị học tập và làm theo như dùng mảnh pháo sáng ốp vào đầu dầm của xe để khi va chạm xe đỡ bị xây xát, dùng thanh gỗ làm cần số để tránh nhảy số trong quá trình xe chạy trên con dốc Trường Sơn gần như dựng đứng... Vì vậy, chiếc Zin157 của anh qua nhiều năm hoạt động ở chiến trường vẫn hoạt động tốt. Chiếc xe một thời gắn bó sinh tử với anh hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam (Hà Nội). Trong 4 năm làm nhiệm vụ vận tải quân sự ở tuyến lửa Trường Sơn, Phan Văn Quý đã lái xe chạy được hơn 65.000km an toàn, tiết kiệm gần 7.000 lít xăng, là người dẫn đầu trong phong trào giữ tốt, dùng bền của Sư đoàn 571. Với những thành tích xuất sắc ấy, ngày 10/6/1976, chiến sĩ Phan Văn Quý được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (khi mới 23 tuổi).

Trưởng thành từ anh bộ đội Trường Sơn, sống trong thương trường và đến nghị trường bằng cái tâm, lòng nhiệt huyết của anh bộ đội Cụ Hồ, ở bất cứ giai đoạn nào, trên cương vị nào, đại biểu, doanh nhân Phan Văn Quý cũng làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, một chiến sĩ quả cảm, anh hùng, một doanh nhân tâm tài và một nghị sĩ đầy trách nhiệm.