Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nhân Việt với tinh thần ái quốc

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng...”. Nửa thế kỷ ngày Bác đi xa, tư tưởng, những lời căn dặn của Người vẫn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển đội ngũ DN, doanh nhân nước ta.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành Lê Văn Kiểm ủng hộ 500 tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Dương Giang
Chung sức vượt qua thử thách
Trải qua 4 làn sóng dịch, tất cả các thành phần kinh tế, ngành nghề đều bị ảnh hưởng và nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, chế biến thủy sản. Có tới 94% DN trong cả nước đang gặp khó khăn.

Theo Bộ Tài chính, để tiêm vaccine phòng Covid-19 được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng; trong đó ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn như thế, các DN Việt vừa quan tâm đến đến sống công nhân, chia sẻ khó khăn với người lao động nhưng vẫn thể hiện trách nhiệm với vận mệnh đất nước, với tinh thần “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”.

Kể từ ngày Chính phủ chính thức phát động (26/5/2021) đến chiều 7/10/2021, tổng số tiền huy động của hơn 550.000 tổ chức và cá nhân đóng cho Quỹ là 8.781 tỷ đồng, trong đó phần lớn trong số đó là các doanh nhân. Điển hình Công ty Golf Long Thành đóng góp 500 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng, VietTel 450 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam mỗi đơn vị 400 tỷ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mỗi đơn vị 200 tỷ đồng.

Điều này làm nhiều người nhớ lại năm 1945, đất nước gặp muôn vàn khó khăn sau khi giành được độc lập. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới công thương và nhiều doanh nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp, đóng góp cho “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng”, đảm bảo hoạt động của chính quyền cách mạng ngày đầu thành lập, đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, trong quá trình phát triển kinh tế, các DN Việt Nam chúng ta đã luôn luôn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, góp phần phát triển bền vững. Tùy theo khả năng, các DN cần thể hiện 4 trách nhiệm chính, đó là: Trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; trách nhiệm về bảo vệ môi trường; trách nhiệm với người lao động (dạy nghề, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, BHYT, an toàn lao động); trách nhiệm chung với cộng đồng (người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội).

Khi làn sóng dịch Covid-19 càn quét qua, trong quý III/2021, trong phạm vi cả nước số lao động (từ 15 tuổi trở lên) giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Nhưng các DN tại 19 tỉnh, TP phía Nam vẫn gồng mình tổ chức xét nghiệm, tiến hành phương án "3 tại chỗ," "1 cung đường, 2 điểm đến" để duy trì sản xuất giúp cho 6/18 triệu người lao động duy trì được việc làm để mưu sinh. Những nỗ lực này của các DN giúp người lao động tránh được “thiệt hại kép”, đỡ gánh nặng cho xã hội.

Dấu ấn doanh nhân Thủ đô

Doanh nhân Việt nói chung và doanh nhân Hà Nội nói riêng luôn luôn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, cùng đồng hành với TP tùy theo khả năng của mình để góp phần Thủ đô ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Các doanh nhân Thủ đô đã đóp góp hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người nghèo tại các chương trình siêu thị 0 đồng, xe buýt 0 đồng, ATM gạo. Công ty BRG, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Công ty CP Đầu tư Phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội đồng ủng hộ 50 máy thở, 50 chiếc monitor theo dõi bệnh nhân, 5 bộ hệ thống Real time PCR, 12.000 bộ kit test Covid-19, 30.000 bộ kit test Covid-19, 5 bộ micro Pipette đa kênh thay đổi thể tích với tổng trị giá 50 tỷ đồng. Công ty Sovico ủng hộ 100 máy thở, 10 xe cứu thương với tổng trị giá 50 tỷ đồng; Công ty TNG Holdings Việt Nam ủng hộ 1 hệ thống xét nghiệm Realtime PCR và 3.000 bộ kit xét nghiệm PCR trị giá 3,5 tỷ đồng; Viettel Hà Nội ủng hộ 500 triệu đồng…

Không phải chỉ ở những DN “ăn nên, làm ra” mà đối với những DN đang gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ vẫn thể hiện trách nhiệm với xã hội. Đơn cử như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dù kế hoạch lợi nhuận sau thuế thu nhập DN là âm 700 tỷ đồng (thực tế dự kiến âm 1.000 tỷ đồng) do Covid-19 phải bãi bỏ tàu nhưng cũng sẵn sàng vận chuyển miễn phí hàng trăm tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, đồ cứu trợ cho các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Mới đây, để đưa đồng bào về quê, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã tổ chức 8 đoàn tàu chuyên biệt đưa 4.800 hành khách về quê.

Đất nước đang đối mặt với đại dịch Covid-19, doanh nhân Việt đang thực hiện đúng lời dạy của Bác, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, cùng với Chính phủ chia sẻ, thực hiện trách nhiệm an sinh với người dân và cũng là khách hàng của họ. Về lâu dài, những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội sẽ đem lại giá trị cho DN hoặc ở một thời điểm nào đó sẽ góp phần làm cho hiệu quả hoạt động của DN tốt hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có hơn 700.000 DN đang tham gia thị trường có đăng ký; khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) 54,88 triệu người, số lao động đang làm việc ước tính 53,52 triệu người. Điều này cho thấy vị trí và vai trò của giới doanh nhân Việt trong quá trình phát triển đất nước.