Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối đầu Đông - Tây thêm căng thẳng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tuần sau cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine trước thời hạn, cuộc bầu cử tại CHND Donetsk (DPR) tự xưng và CHND Lugansk (LPR) đã diễn ra hôm 2/11 nhằm lựa chọn những người đứng đầu chính quyền và cơ quan lập pháp các vùng lãnh thổ ở miền Đông nước này.

Cuộc bầu cử một lần nữa trở thành phép thử quan trọng cho tiến trình giải quyết khủng hoảng, thiết lập ổn định tại Ukraine với sự đối đầu rõ rệt trong quan điểm của các bên liên quan.

 Ngoài 364 điểm bầu cử tại CHND Donetsk (DPR) tự xưng, 90 điểm bầu cử tại CHND Lugansk (LPR) còn có 3 điểm bầu cử tại Nga dành cho những người dân Ukraine sơ tán cùng 5 điểm bầu cử di động ở Nga. Trước đó, cử tri sống ly tán tại các khu vực khác của Ukraine đã bỏ phiếu qua mạng internet từ ngày 26/10. Tham gia tranh cử vào vị trí người đứng đầu DPR có 3 ứng cử viên: Alexander Zakharchenko - người đứng đầu chính quyền Donetsk, ông Yuri Sivokonenko - cựu nhân viên cảnh sát đặc nhiệm Berkut, và ông Alexander Kofman - đại biểu lập pháp Novorossia. Nhiều khả năng ông Alexander Zakharchenko sẽ trở thành người đứng đầu chính quyền DPR với tỷ lệ cử tri ủng hộ áp đảo, bỏ xa các ứng cử viên khác. Tranh cử vào chức người đứng đầu LPR có 4 ứng cử viên: ông Igor Plotnitskyi - người đứng đầu LPR, Chủ tịch Liên hiệp công đoàn Oleg Akimov, lãnh đạo ngành y tế Larissa Ayrapetyan và doanh nhân Victor Penner.
Cử tri bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Donetsk. Ảnh: AFP
Cử tri bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Donetsk. Ảnh: AFP
Những tưởng sau khi Nga công nhận kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine trước thời hạn và Moscow – Kiev đạt được thỏa thuận tạm thời về cung cấp khí đốt với Nga, bất đồng giữa các bên về cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này đã được thu hẹp. Nhưng những tranh cãi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử tại miền Đông một lần nữa làm sâu sắc hơn thế đối đầu giữa Đông và Tây. Bất chấp sự nhượng bộ của Kiev về một quy chế đặc biệt cho Donetsk và Lugansk với cuộc bầu cử chính thức cho hai vùng đất này được ấn định vào ngày 7/12, nhưng lãnh đạo và cử tri của DNR và LNR vẫn quyết tâm thực hiện cuộc bỏ phiếu của riêng mình.
Trong lúc chính quyền Kiev, lãnh đạo nhiều nước phương Tây như Mỹ, Đức, Liên minh châu Âu (EU),… đã khẳng định “cuộc bầu cử bất hợp pháp này” có nguy cơ "hủy hoại" những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 tháng qua tại miền Đông Ukraine. Đồng thời không quên cảnh báo việc Nga công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu này là vi phạm các thỏa thuận quốc tế và phá vỡ Thỏa thuận Minsk. Thậm chí ngay trước thềm bầu cử, chính quyền Ukraine đã dọa ngừng cung cấp khí đốt cho khu vực này trong khi EU cảnh báo sẽ tăng cường trừng phạt Nga nếu công nhận kết quả bầu cử. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã khẳng định, Moscow sẽ công nhận kết quả các cuộc bầu cử tại miền Đông vì cho rằng nó sẽ có vai trò quan trọng trong việc hợp pháp hóa chính quyền tự xưng tại đây và là một trong những định hướng quan trọng của Thỏa thuận Minsk.

Dù các phe phái tại Ukraine đã hoàn thành xong cuộc “mặc cả” phân chia quyền lực sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn với các vị trí quan trọng thuộc về phe thân phương Tây nhưng có một thực tế là quốc gia Đông Âu này vẫn đang là nạn nhân lớn nhất trong cuộc đối đầu Đông – Tây. Không chỉ là nguy cơ từ các đòn trừng phạt - trả đũa giữa các bên công nhận và tẩy chay kết quả bầu cử mà còn là khả năng xảy ra một kịch bản tương tự như đã diễn ra tại Crimea, nhất là khi cuộc bầu cử này được các nhà phân tích ví như “một nhát dao cắt rời” Donbass – khu vực công nghiệp nặng tập trung quanh Donetsk và Lugansk khỏi bản đồ Ukraine.