Hiện nay vẫn đang có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau về việc nên hay không nên để Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư các dự án NƠXH. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng đã đến lúc cần thay đổi tư duy, chính sách về NƠXH để giải quyết nhu cầu cấp thiết của công nhân, người lao động.
Nhu cầu cấp thiết
Hiện cả nước có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại 370 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) nhưng lượng nhà ở đáp ứng cho số lao động này rất hãn hữu. Tỷ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các KCN, KCX hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu.
Theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, sẽ phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động. Tuy nhiên, kết quả phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu. Đến nay mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, quy mô khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3.135.000m2. Đang tiếp tục triển khai 127 dự án, quy mô 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000m2, nhưng có trên 90 dự án vẫn nằm trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư, chưa triển khai xây dựng.
Tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN đang là vấn đề vô cùng bức thiết. Chỉ tỉnh riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, số liệu thống kê từ LĐLĐ TP cho thấy, có tới 80% công nhân làm việc tại địa bàn phải thuê trọ ở các khu dân cư. Hiện TP chỉ có 3 khu công nghiệp là Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở, chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu của công nhân lao động, còn lại đều chưa xây dựng nhà ở cho công nhân.
Đáng chú ý, những KCN đã xây nhà ở cho công nhân mức thuê rất hợp lý, bình quân từ 80.000 – 120.000 đồng/người/tháng. Tương tự Hà Nội, tỉnh Bình Dương được đánh giá là địa phương phát triển NƠXH thuộc diện tốt nhất cả nước nhưng số công nhân lao động chưa phải thuê nhà trọ bên ngoài chiếm trên 60%.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc thu hút nguồn lực đầu tư vào NƠXH, nhà ở công nhân hiện nay đang rất khó khăn, do thủ tục hành chính không khác gì dự án nhà ở thương mại, thậm chí có nội dung còn phức tạp hơn, do phải thực hiện các thủ tục liên quan đến miễn, giảm, ưu đãi và lo ngại về hậu thanh tra, kiểm tra, lợi nhuận chỉ khống chế tại mức 10%, trong khi giá nhà ở thương mại hoặc căn hộ thương mại tại vị trí tương tự lại được bán với giá cao hơn gấp vài lần…
Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2011 - 2020 thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu mét vuông NƠXH, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, đến nay đã quá 3 năm chưa hoàn thành và con số này chỉ đạt 7,9 triệu mét vuông, tương đương khoảng 63,2%.
Nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
Trước những khó khăn trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất đưa quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư các dự án NƠXH, nhà ở công nhân trong KCN vào Luật Nhà ở (sửa đổi), nhằm gia tăng nguồn cung quỹ NƠXH, nhà ở công nhân phục vụ nhu cầu cho người lao động tại các KCN mua, thuê, thuê mua.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, khi đề xuất này được đưa ra đã có 2 luồng ý kiến. Cụ thể, nhiều ý kiến tán thành, nhưng đây là những dự án vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư, khả năng thu hồi vốn, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp. Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung quy định liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) để Tổng LĐLĐ được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án.
“Ở chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng không nên, bởi quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong luật. Do đó, đề nghị Tổng LĐLĐ xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, từ năm 2017 Tổng LĐLĐ đã lập Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN, KCX” nhằm giải quyết các khó khăn về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho đoàn viên, người lao động và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay, 36 địa phương đã có văn bản chính thức gửi Tổng LĐLĐ giới thiệu, chấp thuận địa điểm diện tích từ 3 - 5ha để triển khai dự án đầu tư xây dựng dự án NƠXH. Đồng thời, Tổng LĐLĐ đã hoàn thành đầu tư xây dựng thí điểm thiết chế công đoàn trong KCN tại tỉnh Hà Nam, Tiền Giang; và tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư ở tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Định, Vĩnh Phúc...
“Việc Tổng LĐLĐ tham gia đầu tư NƠXH mặc dù là hoạt động có tính chất kinh tế nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận, cạnh tranh với DN BĐS, mà là phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm lo cho người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, NƠXH cho người lao động đang trở thành vấn đề cần thiết và cấp bách, là hệ lụy của một thời gian dài nhiều địa phương tập trung phát triển nhanh KCN, nhưng việc bảo đảm điều kiện ăn, ở cho người lao động dường như không theo kịp” – ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Trong khi đó, chuyên gia về quy hoạch – quản lý đô thị ThS. KTS Trần Tuấn Anh cho rằng, NƠXH là một chủ trương có ý nghĩa xã hội lớn của Đảng, Nhà nước và là tâm điểm chú ý của Nhân dân. Vì vậy, Chính phủ đã có một loạt các quyết sách tích cực và cơ chế, khuyến khích DN tham gia đầu tư xây dựng, nhưng thực tế triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc phát sinh, dẫn tới việc DN không mặn mà tham gia.
“Chúng ta phải nhìn nhận một cách thực tế là những chính sách mang tính hỗ trợ người nghèo, người lao động hoàn cảnh khó khăn là phải do Nhà nước thực hiện, bởi DN họ làm là phải có lợi nhuận, không thể trông đợi DN đi làm những việc công ích như thế. Nên tôi đồng thuận với phương án Tổng LĐLĐ là chủ đầu tư dự án NƠXH cho công nhân, nhưng cũng cần phải tiếp tục thí điểm đánh giá kết quả và rút ra bài học kinh nghiệm, sau đó đưa vào luật cũng chưa muộn. Việc này cũng không quá khó khăn, vì thời gian qua Chính phủ đã phê duyệt cho Tổng LĐLĐ các cơ chế để thực hiện rồi và đây cũng là giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư NƠXH, nhà ở công nhân” – ông Trần Tuấn Anh nói.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư NƠXH cho công nhân từ nguồn tài chính công đoàn và ngân sách Nhà nước hỗ trợ, nguồn này không được xác định là nguồn vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công. Do vậy, đề nghị Tổng LĐLĐ là chủ thể đầu tư xây dựng được quy định vào luật, nhưng đây là quy định mới, nên cần hoàn thiện cơ chế pháp lý. Bên cạnh đó, đề nghị coi việc Tổng LĐLĐ tham gia như một hình thức Nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng các quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành NƠXH.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương
Điều 10 của Hiến pháp có quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…” Nếu căn cứ vào quy định này thì nội dung đề xuất cũng rất phù hợp và cần thiết để khẳng định vai trò, vị thế của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Nhưng để có tính thuyết phục, đề nghị Tổng LĐLĐ nên có đề án cụ thể, rõ ràng hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh