Sự thừa nhận này phản ánh một tình trạng có thật, là không có ngân sách nước nào gánh nổi bộ máy hành chính cồng kềnh như vậy, mà ngân sách chính là tiền thuế của dân.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người (8,3% dân số cả nước). Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì con số này lên tới 11 triệu người. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) hồi cuối năm 2015 về chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam cũng cho thấy, chi phí cho hệ thống các tổ chức này hàng năm dao động từ 45,6 nghìn đến 68,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi NSNN ước vào khoảng 14 nghìn tỷ đồng. Còn theo số liệu của Bộ Nội vụ ngày 21/11/2016, thì có đến hơn 6,5 triệu người (chưa tính khối quân đội, công an) với tổng quỹ lương lên đến 295 nghìn tỷ đồng. Không phải lâu nay Đảng và Nhà nước ta không biết bộ máy tổ chức phình to đến mức quá sức chịu đựng, nhưng sau hơn 30 năm đổi mới, việc này mới được đặt ra vì đây là một việc khó, có thể nói như một cuộc cách mạng. Trong lịch sử, bộ máy hành chính đã nhiều lần được chỉnh đốn. Song qua thực tế, việc tinh gọn bộ máy không những không giảm mà ngược lại. Số đầu mối đơn vị hành chính có xu hướng tăng do các bộ, ngành bổ sung theo yêu cầu, dù đầu mối cấp ban, bộ có giảm. Theo số liệu của Tạp chí Xây dựng Đảng số tháng 9/2017, trong 5 năm 2011 - 2016, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, số các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này, như Bộ Tư pháp tăng 4 cục, Bộ Y tế tăng 3 cục... Số lượng lãnh đạo cấp bộ cũng tăng, số lượng cán bộ quản lý cấp cục vượt quá quy định... Như vậy, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị dù đã ban hành, nhưng số biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người. Chắc chắn là có những nguyên nhân khiến biên chế ngày một phình to, nhưng kém hiệu quả. Trong đó không thể không nói đến chuyện quyền lực là quyền lợi thiết yếu của con người xưa nay, nên người ta bằng mọi cách leo lên quyền lực cao hơn, giữ ghế ngồi và lợi dụng chỗ ngồi để có lợi cho mình, rồi sinh ra nhiều mưu kế đưa thêm người thân vào bộ máy tổ chức. Việc chấn chỉnh tổ chức, tinh giản bộ máy theo kiểu hình thức, chiếu lệ; không chú ý tới năng lực cán bộ, sự cần thiết phải có bộ máy làm việc. Hay là sự nể nang, đá bóng bật tường hai bên cùng có lợi, tranh thủ kiếm chác từ biên chế, tổ chức...Một cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai hiệu quả sẽ trở thành lực đẩy cho sự đồng bộ của đổi mới kinh tế và hệ thống chính trị. Đương nhiên, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những điểm chưa hoàn hảo, cần chỉnh sửa dần, nhưng đó vẫn là điều tất yếu phải làm, vì chậm tinh giản bộ máy chính là tự gây khó chính mình.