Đứng trên tổng thể lợi ích nền kinh tế điều này sẽ làm hài hòa lợi ích cũng như hỗ trợ tốt cho nông nghiệp, nông dân.
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, thời gian qua, theo phản ánh của doanh nghiệp phân bón trong nước, do phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ. Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón mà còn khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ở nước xuất xứ. Vì vậy, sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) lần này, Chính phủ đề xuất chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có phân bón, từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế 5%.
Đánh giá cao việc tổ chức tọa đàm ngay sau Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội, ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) cho biết, vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân bón liên quan đến hàng chục triệu nông dân và các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất loại hàng hóa này.
Trước đó, phân bón đã là hàng hóa chịu thuế 5% nhưng sau đó chuyển sang không thu thuế nữa. Bởi thuế VAT là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Đối với phân bón, đó là nông dân. Thời điểm đó cần khuyến khích nông dân, nông nghiệp, nên chúng ta đề nghị bỏ thuế này đi. Sau khi Luật có hiệu lực, giá phân bón có giảm xuống. Tuy nhiên, sau khi bỏ thuế 5%, lại chuyển sang phương thức không chịu thuế. Như vậy vô hình trung lại đặt các doanh nghiệp sản xuất phân bón và những doanh nghiệp bán phân bón đầu ra không được tính giá trị gia tăng, không được giảm chi phí thuế đầu vào. Đó là điều bất hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Từ chỗ khuyến khích nông nghiệp nhưng lại tạo gánh nặng cho đơn vị sản xuất phân bón.
Nhấn mạnh quan điểm luôn bảo vệ lợi ích cho người nông dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, trong cơ chế thị trường hiện nay, xét về nhiều góc độ thì người nông dân vẫn là đối tượng thiệt thòi nhất. Mặc dù đóng góp cho GDP, đóng góp cho giá trị xuất khẩu ngày càng tăng nhưng trên thực tế đời sống, thu nhập của người nông dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ sửa Luật Thuế VAT, đưa mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế, đáp ứng như mong muốn của Hiệp hội từ rất lâu.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Lý Phương Duyên, Giảng viên cao cấp Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, vấn đề chuyển từ việc không chịu thuế sang có chịu thuế đối với mặt hàng phân bón sẽ phù hợp với định hướng mở rộng cơ sở thuế mà hiện nay Chính phủ đang đặt ra. Hiện nay chúng ta có 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT và những mặt hàng này cũng đang dần được cân nhắc xem mặt hàng nào phù hợp với việc đánh thuế để bổ sung vào nhóm hàng hóa đánh thuế.
Việc đánh thuế có tác động tích cực đến việc chống xói mòn cơ sở thuế. Điều này phù hợp với xu thế chung. Bên cạnh đó, việc đánh thuế sẽ làm cho số thu thuế của chúng ta ổn định hơn và có sự công bằng hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bà Duyên nói.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT, xét trên nhiều góc độ: từ thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước; góp phần tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, có cơ hội hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ rõ trong các báo cáo, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế sẽ tháo gỡ khó khăn trong việc giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, khi phân bón không thuộc diện chịu thuế, thách thức cũng rất lớn. Nếu đưa vào diện chịu thuế, thì có cơ hội hoàn thuế, giảm chi phí sản xuất, Chính phủ không có mong muốn gì khác, từ cơ hội doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thì có thể giảm giá bán, tạo lợi ích cho bà con nông dân. Do đó, ông Hiếu nhất trí với việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cũng duy trì quan điểm đưa phân bón quay trở lại diện chịu thuế VAT với 2 lý do. Một là, phù hợp với chủ trương với quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, là mở giao diện chịu thuế VAT, thu hẹp danh mục 26 mặt hàng không chịu thuế VAT xuống còn ít hơn. Hai là, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ giải quyết hài hòa được “mối quan hệ ba nhà” (doanh nghiệp, nhà nước, nhà nông). Câu chuyện này vẫn đứng trên tổng thể lợi ích nền kinh tế, chứ không xét riêng ngành nào.
Thuế suất ở mức bao nhiêu là lý tưởng?
Vấn đề đặt ra cho thấy, nếu không đưa phân bón vào diện chịu thuế thì sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp do không được hoàn thuế. Tuy nhiên, áp dụng thuế suất 5% thì đại biểu băn khoăn về tác động đến giá thành phân bón và ảnh hưởng đến người nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, cần áp dụng phương án áp thuế 5% với mặt hàng phân bón. Từ góc độ từ thực tiễn, người nông dân không có lý do gì để không đóng thuế cả, vì đó là người tiêu dùng, đã mua phân thì phải trả thuế. Nông dân có sản phẩm đầu ra là sản phẩm nông nghiệp. Nếu người nông dân làm doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, có sản phẩm đầu ra là nông nghiệp vẫn đánh 5%. Như vậy là thuế ưu đãi, chịu đầu vào 5% và đầu ra 5%. Nếu chúng ta áp thuế 5%, thì sẽ thu được vốn từ phân bón nhập khẩu, điều tiết và giải quyết bài toán trong nước và nước ngoài.
Phản biện ý kiến áp dụng thuế 5%, ĐBQH TP. Hà Nội Hoàng Văn Cường nhìn nhận, nông nghiệp là trụ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế, nếu chúng ta xác định hỗ trợ sản xuất là hỗ trợ cho cả nền kinh tế thì phải tiếp tục các chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Nếu bây giờ áp dụng thuế 5% cho mặt hàng phân bón, điều này đồng nghĩa với việc người nông dân phải bỏ ra 5.700 tỷ đồng cho chi phí sản xuất nông nghiệp. Phân bón là đầu vào sản xuất, đầu ra là sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp cây trồng không chịu thuế đầu ra, người nông dân không được khấu trừ thuế đầu ra, phải chịu thuế đầu vào. Doanh nghiệp hiện giờ phải gánh chịu thuế đầu vào, nhưng cũng không thể đẩy gánh nặng đó sang người nông dân.
Từ phân tích này, ông Cường cho rằng: nên áp dụng phương án thuế 0% đối với phân bón, doanh nghiệp không chịu thiệt khi không phải chịu thuế đầu vào. "Phương án đó giải quyết công bằng Nhà nước – doanh nghiệp – người dân" - ông Cường nói.
Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Lý Phương Duyên cho hay, nên áp dụng mức thuế suất thấp ở mức 0% là lý tưởng nhất với mặt hàng phân bón, điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm các mặt hàng khác phục vụ cho nông nghiệp.
Bà Duyên cũng nêu ví dụ, hiện nay có một số nước trên thế giới áp dụng thuế suất 0% cho mặt hàng phân bón khi mua với một số lượng nhất định. Nếu không mua với số lượng đó sẽ quay về mức thuế suất gốc. Nếu Việt Nam áp dụng mức thuế suất 0%, thì sẽ có câu chuyện là áp dụng cho một khâu hay áp dụng cho toàn bộ các khâu từ sản xuất, bán buôn? Điều này cũng có thể xuất hiện hiện tượng kê khai một số chi phí không được khấu trừ hoàn toàn, mà có thể liên quan đến chi phí quản lý, chi phí tuân thủ khi quản lý chi phí đầu vào, bà Duyên lưu ý.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, với mặt hàng phân bón thì thuế 0% là lý tưởng nhất.
Tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là thuế suất giá trị gia tăng với ngành hàng phân bón. Một số đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ đối với việc chuyển đổi phân bón sang đối tượng chịu thuế với thuế suất 5%. Một số đại biểu nhất trí đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế nhưng với thuế suất 0% chứ không phải là 5% như Chính phủ đề xuất. Một số đại biểu khác lại cho rằng áp thuế 5% là phù hợp. Theo chương trình dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại kỳ họp cuối năm nay.
Ban tổ chức xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) vì sự hỗ trợ quý báu. Sự tham gia tích cực của PVCFC không chỉ nâng cao chất lượng thảo luận mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.