Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới công nghệ tạo sức bật cho làng nghề

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ triển khai hiệu quả nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất, DN tại các làng nghề Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới công nghệ.

Qua đó, không những rút ngắn các công đoạn thủ công, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm mà còn góp phần giải phóng sức lao động, cải thiện môi trường làng nghề.
Khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại
Xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội có hơn 40 hộ sản xuất miến. Cảnh tượng thường thấy trên địa bàn xã là những phên miến, bánh phở, bún khô phơi ở khắp cánh đồng, không hề che chắn. Việc làm miến, phơi sấy hoàn toàn thủ công không chỉ tốn kém diện tích, tốn nhân công mà còn gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm không bảo đảm vệ sinh và phụ thuộc vào thời tiết.
Trước những hạn chế đó, anh Phí Công Kiệt, chủ cơ sở sản xuất Trung Kiên – một hộ sản xuất miến lớn nhất xã Minh Khai, đã luôn đau đáu việc đầu tư một dàn máy sấy miến dong tự động. Giữa năm 2019, anh đã quyết định đầu tư dàn máy sấy với tổng kinh phí lên đến gần 5 tỷ đồng. Dù kinh phí còn thiếu, phải vay mượn nhưng đáng mừng là cơ sở của anh đã nhận được sự hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí từ Sở Công Thương Hà Nội, thông qua Đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, thuộc Chương trình khuyến công TP năm 2019.
Với dàn máy sấy tự động, hoạt động sản xuất của gia đình anh thuận lợi hơn nhiều. “Trước đây tôi thường xuyên phải thuê khoảng 20.000m2 đất để phơi miến, hoạt động sản xuất phụ thuộc thời tiết, mỗi lần mưa gió là phải huy động toàn bộ nhân công để “chạy” miến. Còn bây giờ, mọi hoạt động sấy miến đều tự động, không phải phơi ngoài trời. Gia đình tôi vì thế không phải thuê đất nhiều nữa, năng suất cũng cao gấp 3 lần so với trước. Sản phẩm sạch, chất lượng tốt hơn, đỡ ô nhiễm môi trường hơn” – anh Kiệt nói.
Tạo sự lan tỏa
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn TP có quy mô nhỏ, trang thiết bị sản xuất công nghệ trung bình, thậm chí dưới mức trung bình. Do quy mô nhỏ nên đa phần chưa có khả năng đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, sản phẩm tạo ra vì vậy chưa có sức cạnh tranh, hoạt động sản xuất tốn nhân công, gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực tế đó, để giúp các cơ sở sản xuất, DN từng bước hòa nhập với xu hướng chung, nâng cao tính cạnh tranh, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công thiết thực, trong đó đáng chú ý là chương trình hỗ trợ cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.
Từ năm 2009 đến nay, TP đã tiến hành hỗ trợ trên 100 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ. Ghi nhận từ các đối tượng thụ hưởng cho thấy, việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến đã giúp các cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là đơn hàng số lượng lớn mà điều kiện công nghệ, thiết bị trước đó không thể thực hiện được.
Trong năm 2019, thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công Thương Hà Nội), TP tiếp tục hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất với kinh phí gần 5 tỷ đồng. Theo ông Đào Hồng Thái - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất hầu hết đều phát huy được hiệu quả, nhờ ngay từ ban đầu Trung tâm đã có sự khảo sát, chọn lựa đối tượng thụ hưởng, chọn lựa những đề án mang tính khả thi một cách kỹ lưỡng. Trong đó, ưu tiên cho các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn, qua đó tạo điều kiện phổ biến các mô hình đầu tư sản xuất sản phẩm mới, tiêu biểu, hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tương tự học tập kinh nghiệm.
Đồng thời, việc làm này cũng nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường…