Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới công tác cán bộ ngăn chặn “ưu ái” bổ nhiệm người nhà

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ.

“Đúng quy trình”, “bổ nhiệm người nhà hơn người tài”, bổ nhiệm theo “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ,” là những cụm từ lâu nay được dư luận nhắc nhiều khi nói về việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ. Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh và con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho thấy những gì dư luận nhắc đến trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ là có cơ sở.
 Ông Lê Phước Hoài Bảo - con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh. (Ảnh: Vnexpress)
Đối với việc thăng tiến thần tốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, Ủy ban kiểm tra Trung ương chỉ rõ trách nhiệm của ông Ngô Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng và ông Đào Vũ Việt - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng.

Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ vi phạm, khuyết điểm của ông Ngô Văn Tuấn là “đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước. Thậm chí ban hành quyết định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền, vi phạm tiêu chuẩn cán bộ do cấp có thẩm quyền quy định; bổ nhiệm nhiều trưởng phòng, phó trưởng phòng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó điển hình là trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Dư luận cũng đồng tình với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của ông Lê Phước Thanh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam).
Ông Bùi Đức Phiện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Liên hiệp Giao thông 2, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, thời gian qua việc thực hiện chưa đúng quy định đã tạo dư luận không tốt về việc đề bạt, luân chuyển cán bộ. Dẫn đến hiện tượng một nhóm người lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa người nhà, người thân, con cháu vào những vị trí không hợp lý.
“Công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen... Cán bộ đảng viên rất ủng hộ chủ trương này, làm được như vậy dân rất mong. Việc này nên làm cho kỹ và thực chất. Trong quy trình phải giám sát, xem tất cả mọi mặt” – ông Bùi Đức Phiện nêu ý kiến.
Nhìn rộng ra, lâu nay, việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ ở nhiều nơi vẫn được nhắc đến với không tiêu cực, khiến dư luận bức xúc. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tuyển dụng theo kiểu đóng cửa ngồi nghiên cứu hồ sơ, xem lý lịch, xem xét bằng cấp và có cả sự sắp đặt trước các vị trí công việc. Đó là chưa kể tình trạng "chạy chức chạy quyền".
Mới đây, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức thi tuyển 3 chức danh Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở đảng và Vụ Địa phương III. Thông qua đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý góp phần lựa chọn được những người xứng đáng. Đồng thời việc thi tuyển tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cũng như khắc phục tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để thông qua thi tuyển chọn được người tài thì khâu chuẩn bị và tổ chức thi là rất quan trọng. Theo đó, làm sao chủ trương đến được với nhiều người để tìm ra ứng viên tốt. Người chấm thi và người ra đề thi cũng rất quan trọng để đánh giá được người nào tốt, xứng đáng. Những vấn đề này rất khó, đòi hỏi tỉ mỉ và mỗi chức danh có phẩm chất, tiêu chí đánh giá riêng, làm thế nào để đánh giá chính xác, tốt nhất, tìm ra người xứng đáng nhất.
“Nếu 2 khâu đó làm tốt thì việc thi tuyển mới thực chất, còn 2 khâu đó hình thức dẫn đến thi cũng hình thức” – GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.
Cùng với tổ chức thi tuyển cán bộ thì quy định cụ thể về bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn; đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen.... Đồng thời góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước./.