Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới để bớt phản cảm

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm Mậu Tuất sắp khép lại. Nơi nơi đều rộn ràng chuẩn bị đón lễ hội Xuân Kỷ Hợi. Một vài năm trở lại đây, câu nói “tả tơi như đi hội” trở thành nỗi ám ảnh của du khách, khi cảnh chen lấn, xô đẩy, cướp lộc đến đổ máu… thường xuyên tái diễn. Năm 2019, rất nhiều lễ hội của Hà Nội sẽ đổi mới trong công tác tổ chức và quản lý, cũng chỉ để bớt các trò phản cảm trong lễ hội.

Tranh cướp giò hoa tre tại lễ hội đền Sóc năm 2017.
Hội đền Gióng (Sóc Sơn) chính thức bỏ tục tán lộc và cướp lộc thành phát lộc cho tất cả du khách dự hội. Trước đó, việc tranh cướp lộc giò hoa tre và giò trầu cau đã được ghi nhận trong hồ sơ công nhận Hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Sau những lần người đi hội cầm gậy phang nhau vì lộc, người bị đòn nặng thì chảy máu, ngất và nhập viện, người nhẹ cũng xây xát đầy mình, dòng người chen nhau cướp lộc trở thành nỗi kinh hoàng, cơ quan quản lý văn hóa chính thức đề nghị thay đổi hình thức mang tính truyền thống của Hội đền Gióng. Năm 2018, lần đầu tiên thực hiện đổi mới nghi thức thực hiện, ai ai cũng băn khoăn. Người dân huyện Sóc Sơn, đặc biệt là các thôn có lễ vật dâng đức thánh như Vệ Linh, Dược Thượng, Xuân Tảo… vẫn đầy nỗi niềm. Thay đổi cách thức thực hiện nghi lễ đã có ngàn đời liệu có làm đời sống thôn, làng bất ổn? Nhưng rồi, một năm trôi đi, bất trắc không xảy ra, mà niềm vui về những thắng lợi và sự phát triển kinh tế đang hiện hữu trong từng mái nhà, từng khuôn mặt của người dân. Nên năm nay, dân làng tự tin rước lộc tiến cung dâng thánh, phát cho đông đảo du khách dự hội.
Không chỉ người dân, mà nhiều chuyên gia cũng từng tranh luận nảy lửa về những sự thay đổi này. TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Lễ hội không có tội mà một bộ phận con người đã lợi dụng và làm hỏng nó đến mức này như một căn bệnh trầm kha khó chữa đã 15 năm nay”. Nhiều người không đồng tình với việc thay đổi thực hiện nghi thức truyền thống vì sẽ làm mất giá trị của di sản; lễ hội của dân nên trả về cho dân, cơ quan quản lý không nên tham gia trong vai trò của ban tổ chức. Nhưng có người lại cho rằng, với thời đại của công nghệ số, của giao thương, lễ hội là di sản chung của tất cả mọi người, không chỉ bó hẹp trong một thôn, làng, phường, xã. Chính vì vậy, những nghi thức được cho là phản cảm cần loại bỏ và thay đổi để tránh ảnh hưởng tâm lý, kích động bạo lực cho số đông cộng đồng.

Rất khó để xác định ranh giới của sự đúng - sai trong các hình thức tổ chức của văn hóa. Nhưng, rõ ràng qua một năm quyết liệt vận động, thực hiện, bộ mặt của lễ hội Hà Nội đã tốt lên, bớt các trò phản cảm, người đi hội hân hoan trong không gian náo nhiệt và bình an. Ngoài Hội đền Gióng (Sóc Sơn), năm 2019, các lễ hội khác của Hà Nội như Lễ hội chùa Hương, lễ hội Đức Thánh Cả, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh… đều đổi mới trong công tác tổ chức và quản lý, hứa hẹn một mùa hội vui tươi sắp về.