Tỷ lệ lấp đầy thấp Với 289 KCN và 15 KKT ven biển, các KCN, KKT đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Các KCN, KKT thu hút khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước, tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung, hệ thống KCN, KKT đã góp phần hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, việc phát triển các KCN, KKT trong 20 năm qua cũng bộc lộ không ít hạn chế. Chất lượng quy hoạch KCN, KKT chưa tốt, thiếu sự liên kết lãnh thổ nên chưa tận dụng được lợi thế đặc thù của từng địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp, hoạt động không hiệu quả, việc thu hút đầu tư vào KCN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vấn đề bảo vệ môi trường trong các KCN, KKT chưa được quan tâm đúng mức. Sẽ loại khỏi quy hoạch những KCN không hiệu quả Tại Hội thảo thúc đẩy đầu tư vào các KCN Việt Nam trong khuôn khổ Triển lãm Xúc tiến đầu tư vào KCN Việt Nam diễn ra từ (28 - 30/11), nhiều chuyên gia đã đề xuất giải pháp nhằm tăng sức hút đầu tư cho các KCN, KKT. Ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, cần đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng để thúc đẩy đầu tư vào KCN, đồng thời xem lại cơ chế phân cấp giữa T.Ư và địa phương. Cả nước có hơn 300 KCN, KKT tuy nhiên tỷ lệ lập đầy hiện còn thấp. Để cải thiện tình hình này, theo ông Vũ Đại Thắng - Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ KH&ĐT), các KCN phải hoàn thiện được hạ tầng "cứng" theo tiêu chuẩn quốc tế như: Có công trình xử lý chất thải, tiện nghi tiện ích công cộng phục vụ doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng đồng bộ trong và ngoài hàng rào KCN. Bên cạnh đó, là hạ tầng "mềm", những KCN có tỷ lệ lấp đầy cao hiện nay đều là những đơn vị có dịch vụ hành chính nhanh gọn, hệ thống văn bản pháp quy ngày càng hoàn thiện, có nhiều ưu đãi đầu tư cạnh tranh… Nhưng tạo ra các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đầu tư không có nghĩa là các KCN thu hút dự án bằng mọi giá mà phải có sự chọn lọc. Theo đó, KCN cần ưu tiên những dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các ngành công nghiệp có tính liên kết cao. Với những KCN hoạt động không hiệu quả, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chuyên gia kiến nghị cần có sự rà soát để quy hoạch lại. Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt cũng chỉ rõ, từ nay đến năm 2020, số KCN quy hoạch thành lập mới là 212 KCN với tổng diện tích gần 60.000 ha. Quy hoạch KCN đang được Bộ KH&ĐT rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.