Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch “Vênh” giữa cung và cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi nhìn thị trường du lịch những năm tới, rất nhiều chuyên gia dự đoán Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức có thể là những thị trường cung cấp khách hàng đầu cho du lịch Việt Nam.

Hy vọng mở ra, song lại đi kèm với một nỗi lo đầy thực tế, ấy là nguồn hướng dẫn viên du lịch biết những thứ tiếng kia không đáp ứng được yêu cầu.

Cái khó…

Lâu nay, những thứ ngôn ngữ nằm ngoài tiếng Anh, Trung, Pháp đều được những người làm du lịch xếp vào danh sách ngoại ngữ không thông dụng. Điều này có lẽ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chuyên môn ngoại ngữ của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Bởi như thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong số hơn 6.700 hướng dẫn viên du lịch quốc tế của ta, có tới 3.699 người chuyên tiếng Anh, 995 người chuyên tiếng Pháp, 961 người biết tiếng Trung. Trong khi đó chỉ có 431 người sử dụng tiếng Nhật, 375 người rành tiếng Đức, 147 người nói được tiếng Tây Ban Nha...
Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch “Vênh” giữa cung và cầu - Ảnh 1
Cũng vì sự "mất cân bằng" trong vốn ngoại ngữ của đội ngũ hướng dẫn viên kia mà không ít doanh nghiệp lữ hành "thở dài" vì phải từ chối những "mối" khách du lịch Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ… Thậm chí có doanh nghiệp còn công khai rằng họ thất thu vì không có đội ngũ hướng dẫn viên đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ để đón khách từ các quốc gia không sử dụng tiếng Anh, Pháp, Trung.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, hướng dẫn viên không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ để đón khách du lịch là lý do không đáng có. Song "căn bệnh" này đã diễn ra nhiều năm ở thị trường du lịch Việt Nam mà chưa tìm ra được "thuốc chữa". Thế nên, khi đứng trước dự đoán về nguồn khách cho du lịch Việt trong thời gian tới, người quan tâm đến du lịch và người làm nghề không lo mới là lạ.

Ló cái khôn?

Trong tình cảnh khó khăn ấy, rất nhiều doanh nghiệp "ló cái khôn" là tuyển người biết ngoại ngữ mình cần, sau đó đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch và kỹ năng làm hướng dẫn viên. Thế nên thị trường du lịch trong nước không ít người "bỗng dưng" trở thành hướng dẫn viên du lịch sau một thời gian đi xuất khẩu lao động tại Đức, Hàn Quốc, Nga… Tuy nhiên, thực trạng hướng dẫn viên không đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch vẫn không được giải quyết, bởi "được" ngoại ngữ, thì đội ngũ này lại "trống" hoàn toàn về nghiệp vụ. Đó là chưa kể, đội ngũ này còn không có bằng cấp, không có thẻ hành nghề… - không khác gì hành nghề "chui". Và "cái khôn" ló ra với hy vọng lấp chỗ trống về hướng dẫn viên du lịch ở các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh, Pháp, Trung, vì thế, cũng không thành hiện thực.

Rõ là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đang "vênh" giữa cung và cầu. Như nhiều chuyên gia phân tích, là do ngành du lịch trong nước đang "mặc kệ" cho đội ngũ hướng dẫn viên tự phát định hướng ngoại ngữ và tự phát phát triển. Điều dễ nhìn thấy là sự khập khiễng trong trình độ của hướng dẫn viên: Người có nghiệp vụ du lịch thì yếu về ngoại ngữ, người giỏi ngoại ngữ lại thiếu hụt về kỹ năng nghề. Thế nên việc cần làm cho du lịch Việt Nam hiện nay là cân bằng những khập khiễng trong trình độ đội ngũ hướng dẫn viên. Đúng như ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phân tích: Trong tình hình khách du lịch đến Việt Nam ngày một nhiều, không thể bằng lòng với những thứ tiếng thông dụng như Anh, Pháp, Trung, mà cần sớm có chiến lược phát triển đội ngũ hướng dẫn viên biết những ngôn ngữ ngoài những thứ tiếng thông dụng.

Không chỉ theo dự đoán của các chuyên gia du lịch, mà ngay trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ta đang hướng đến một thị trường khách đa dạng. Bên cạnh nguồn khách đến từ các thị trường truyền thống châu Âu, còn quan tâm tới các thị trường mới như Ấn Độ, Ả Rập… Để "đón đầu" được những dự báo và những "mục tiêu" phấn đấu này, không gì khác là phải cân đối ngay lập tức quan hệ cung - cầu hướng dẫn viên du lịch.