Nga đang có kế hoạch mở rộng sản xuất một loại máy bay chở khách có thể trở thành máy bay chủ chốt cho các hãng hàng không nội địa, nhật báo kinh doanh RBK dẫn lời Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết.
Chính phủ sẽ đầu tư gần 42 tỷ ruble (500 triệu USD) vào việc cải tiến và sản xuất máy bay Tupolev Tu-214, Thủ tướng Mishustin thông báo trong chuyến thăm một nhà máy hàng không tuần trước.
Tu-124 là máy bay hai động cơ thân hẹp hiện đại với tầm bay 6.500 km và sức chứa 210 hành khách. Tu-214 ra mắt vào năm 1996 để thay thế Tu-154 - loại máy bay được sử dụng rộng rãi nhất ở Liên Xô và Nga từ những năm 1960 đến đầu những năm 2000.
Nga đã nỗ lực phát triển một loại máy bay thay thế máy bay nhập khẩu kể từ khi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus đã buộc phải ngừng cung cấp phụ tùng, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật cho các hãng hàng không hoặc công ty bảo trì ở Nga.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga Alexander Neradko khẳng định máy bay Boeing và Airbus do các hãng bay Nga vận hành vẫn đủ khả năng hoạt động an toàn cho tới năm 2030 nếu được bảo trì đúng quy cách.
Hãng hàng không lớn nhất của Nga Aeroflot coi Tu-214 là một phương tiện tiềm năng và có kế hoạch mua 40 chiếc máy bay này trước năm 2030. Tu-214 đã được hai hãng hàng không nội địa nhỏ hơn sử dụng và Aeroflot đã đưa ra các khuyến nghị cho nhà sản xuất về cách hiện đại hóa và cải thiện thiết kế của máy bay.
Theo ước tính của Chính phủ, sẽ mất tới 5 năm để Nga sản xuất hàng loạt máy bay nội địa để thay thế máy bay nước ngoài.
Trong số các máy bay nội địa khác đang được phát triển có máy bay chở khách một lối đi MC-21, đang trong quá trình thử nghiệm, và Sukhoi Superjet New - phiên bản của Superjet (SSJ) 100 - hoàn toàn do Nga sản xuất.
Trước đó, tờ Bloomberg đưa tin, trong hơn 1 năm qua, các lệnh trừng phạt chống Moscow dường như không gây ảnh hưởng nặng nề lên ngành hàng không Nga như Mỹ, phương Tây mong đợi.
Theo Bloomberg, để ứng phó với các lệnh cấm vận của phương Tây, các hãng bay Nga đã tìm mua bộ phận, phụ tùng thay thế từ các quốc gia “thân thiện” hoặc tháo dỡ bộ phận máy bay này lắp vào máy bay khác.
Vào tháng 2 năm nay, Cơ quan quản lý hàng không Nga đã đạt thỏa thuận với công ty kỹ thuật Dubai Global Jet Technic về việc công ty này sẽ kiểm tra định kỳ trước chuyến bay cho máy bay Airbus và Boeing của các hãng hàng không Nga.
Theo Công ty nghiên cứu Cirium, các hãng hàng không Nga hiện đang vận hành 467 máy bay Airbus và Boeing so với con số 544 máy bay ở thời điểm trước khi xung đột bùng phát tại Ukraine.
Không lâu sau khi chiến sự xảy ra tại Ukraine, Nga đóng cửa không phận với các hãng bay thuộc nhiều nước châu Âu và Mỹ, khiến các hãng bay này phải thực hiện lộ trình dài hơn để tới châu Á, dẫn tới chi phí vận hành chuyến bay tăng cao.
Tuy nhiên, Nga vẫn mở cửa không phận với hãng hàng không thuộc các quốc gia “thân thiện” như UAE và các hãng bay này đã tăng cường số chuyến bay kết nối với Nga hoặc bay qua không phận Nga.
Theo dữ liệu từ Cirium, các sân bay Nga hiện phục vụ 270 chuyến bay quốc tế/ngày, so với 300 chuyến vào một năm trước. Trong khi tạm dừng chuyến bay tới Mỹ, nhiều nước châu Âu, các hãng bay Nga lại tăng cường dịch vụ kết nối với Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Các hãng hàng không Nga cũng thực hiện khoảng 1.100 chuyến bay nội địa/ngày, chỉ giảm 15% so với một năm trước - thấp hơn nhiều so với ước tính của Mỹ và phương Tây khi áp lệnh trừng phạt.