- Sau khi được mở rộng năm 2008, vùng nông thôn của Hà Nội gặp muôn vàn khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, 10 năm qua, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được nâng cấp ngày một đồng bộ. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa. Giao thông thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Cơ sở vật chất trường học đảm bảo nhu cầu giảng dạy, học tập. Công tác chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm...
|
Mô hình nuôi chim bồ câu mang lại giá trị kinh tế cao tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng |
Đáng chú ý nhất là kết quả đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người nông dân. Nếu như thời điểm tháng 8/2008, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn mới đạt khoảng 8,2 triệu đồng thì đến nay, con số này đã tăng hơn 4,6 lần, lên mức trên 38 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo đa chiều hiện chỉ còn khoảng 2,5%. Nhiều huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn rất thấp như: Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1,0%, Thanh Trì 1,41%...
Theo ông, điều gì đã tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ như hôm nay?- Thành công đó có được trước tiên là nhờ chủ trương đúng đắn của Thành ủy Hà Nội trong công tác dồn điền đổi thửa. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đông đảo người dân, toàn TP đã thực hiện dồn điền đổi thửa đạt 104,2% kế hoạch. Sau dồn điền đổi thửa, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, đã hình thành lên 154 cánh đồng mẫu lớn, 101 vùng rau an toàn, 15 vùng chăn nuôi tập trung và 76 xã chăn nuôi trọng điểm và đặc biệt là 123 mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho giá trị kinh tế vượt trội…
TP Hà Nội cũng rất chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn vốn triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020. Theo đó, tính riêng từ năm 2016 đến nay, đã huy động được trên 25.093 tỷ đồng nhằm nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách hỗ trợ dần đi vào cuộc sống, cách thức đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của TP trong xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nhìn nhận khách quan, đời sống của người dân khu vực nông thôn của Hà Nội hiện vẫn còn những vấn đề cần phải lưu tâm, thưa ông?- Thực tế, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng đời sống của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp như: Ba Vì (33 triệu đồng/người/năm), Ứng Hòa (32,3 triệu đồng/người/năm), Mỹ Đức (34,1 triệu đồng/người/năm… Tỷ lệ hộ nghèo một số nơi còn cao như: Ba Vì (4,8%), Mỹ Đức (4,2%), Chương Mỹ (3,6%)…
Bên cạnh đó, một số tiêu chí liên quan tới chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục còn khó khăn. Đơn cử như tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi của TP hiện còn tới 13,9%. Gần 17% người dân ngoại thành chưa có bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt khoảng 52%...
Để tiếp tục nâng cao đời sống người nông dân, trong giai đoạn tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?- Để thực hiện được mục tiêu trên, việc gia tăng giá trị ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, miền sẽ là giải pháp quan trọng. Theo đó, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế cạnh tranh. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tăng cường xúc tiến thương mại. Đồng thời huy động nguồn lực đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề, chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động nông thôn, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công. Mở rộng sản xuất trong các cụm công nghiệp, làng nghề...
Xin cảm ơn ông!